Hệ thống pháp luật

Điều 2 Luật Địa chất và Khoáng sản 2024

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Địa chất là các dạng vật chất cấu tạo nên trái đất, các quá trình diễn ra trong tự nhiên phát sinh từ sự tiến hóa của trái đất cũng như địa hình, cảnh quan, hiện tượng địa chất và môi trường được tạo ra do các quá trình tự nhiên đó.

2. Tài nguyên địa chất là các dạng vật chất hình thành từ các quá trình địa chất, tồn tại trong hoặc trên bề mặt trái đất mà con người có thể khai thác, sử dụng, bao gồm: khoáng sản, di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên địa nhiệt, tài nguyên vị thế, cấu trúc địa chất tàng trữ, không gian lòng đất.

3. Tài nguyên địa nhiệt là nhiệt năng được sinh ra và tồn tại trong các thể địa chất, cấu trúc địa chất có thể khai thác, sử dụng.

4. Tài nguyên vị thế là tài nguyên địa chất mà có vị trí địa lý đem lại lợi thế chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh hoặc môi trường.

5. Cấu trúc địa chất tàng trữ là thể địa chất được hình thành trong lòng đất, có khả năng lưu giữ và thu hồi các loại vật chất.

6. Di chỉ địa chất là tập hợp các dấu hiệu, đặc điểm của hoạt động địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế ở một khu vực xác định trên mặt đất hoặc trong lòng đất được phát hiện và ghi nhận trong quá trình điều tra địa chất.

7. Di sản địa chất là tập hợp một hoặc nhiều di chỉ địa chất được công nhận, xếp hạng.

8. Công viên địa chất là một khu vực có giới hạn xác định, có các di sản địa chất, độc đáo về văn hóa, sinh thái và khảo cổ học; có diện tích phù hợp để thực hiện các chức năng quản lý, bảo tồn, giáo dục, nghiên cứu và phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

9. Tai biến địa chất là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về môi trường, con người, tài sản, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: động đất, hoạt động núi lửa, đứt gãy hoạt động, trượt lở đất đá, sụt lún bề mặt; nứt đất; xói lở bờ sông, bờ biển; ô nhiễm từ khoáng vật, nguyên tố độc hại có nguồn gốc tự nhiên.

10. Không gian lòng đất là phần phạm vi phân bố của các thực thể địa chất trong lòng đất, được xác định bằng hệ toạ độ quốc gia, diện tích và mức sâu trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất.

11. Điều tra cơ bản địa chất là hoạt động nghiên cứu, điều tra cơ bản về cấu trúc, thành phần vật chất, lịch sử phát sinh, phát triển vỏ trái đất, các điều kiện địa chất, quá trình địa chất và quy luật sinh khoáng nhằm đánh giá tiềm năng tài nguyên địa chất, các tác động của quá trình địa chất đến kinh tế - xã hội và con người làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động bảo vệ, quản lý tài nguyên địa chất.

12. Điều tra địa chất về khoáng sản là việc xác định quy mô, số lượng, chất lượng từng loại khoáng sản, nhóm khoáng sản theo cấu trúc địa chất có triển vọng trên cơ sở điều tra cơ bản địa chất làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động thăm dò khoáng sản.

13. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

14. Khoáng sản nguyên khai là khoáng sản được khai thác, thu hồi chưa qua chế biến.

15. Khoáng sản đi kèm là khoáng sản có thể khai thác cùng với khoáng sản chính và có hiệu quả kinh tế.

16. Khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước.

17. Khoáng sản phóng xạ là tích tụ tự nhiên của các nguyên tố urani, thori và đồng vị phóng xạ liên quan.

18. Khoáng sản độc hại là khoáng sản có chứa một trong các nguyên tố phóng xạ, thủy ngân, asen, chì, nhóm khoáng vật asbet mà khi khai thác, sử dụng, lưu giữ phát tán ra môi trường những chất phóng xạ hoặc độc hại vượt mức quy định của quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

19. Nước nóng thiên nhiên là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, luôn có nhiệt độ tại nguồn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

20. Nước khoáng thiên nhiên là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, có thành phần, tính chất và một số hợp chất có hoạt tính sinh học đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

21. Hoạt động khoáng sản bao gồm thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản.

22. Thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản.

23. Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi thành tạo tự nhiên, bao gồm: xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, bơm hút, lọc tách, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản hoặc phương án khai thác khoáng sản. Sản phẩm của hoạt động khai thác khoáng sản là khoáng sản nguyên khai.

24. Chế biến khoáng sản là quá trình xử lý, gia công khoáng sản sau khai thác thuộc dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhằm làm tăng giá trị khoáng sản nguyên khai đã được khai thác.

25. Đóng cửa mỏ khoáng sản là hoạt động nhằm đưa toàn bộ hoặc một phần diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản về trạng thái an toàn, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tối ưu hóa mục đích sử dụng đất sau khai thác.

26. Thu hồi khoáng sản là hoạt động kết hợp nhằm lấy được khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc các hoạt động khác theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.

27. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải trả cho Nhà nước để được thực hiện quyền khai thác, thu hồi khoáng sản.

28. Công suất khai thác là khối lượng khoáng sản tối đa hoặc lưu lượng tối đa đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên có thể khai thác được trong một khoảng thời gian nhất định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản hoặc phương án khai thác khoáng sản và được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

29. Tài nguyên khoáng sản là lượng khoáng sản đã được điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản, đáp ứng yêu cầu tối thiểu để có thể khai thác, sử dụng toàn bộ hoặc một phần tại thời điểm hiện tại hoặc tương lai. Theo mức độ nghiên cứu địa chất, mức độ nghiên cứu khả thi và hiệu quả kinh tế, tài nguyên khoáng sản được chia thành các cấp trữ lượng, các cấp tài nguyên và có độ tin cậy khác nhau.

30. Trữ lượng khoáng sản là phần tài nguyên khoáng sản đã được thăm dò, dự kiến có thể khai thác trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật nhất định, mang lại hiệu quả kinh tế tại thời điểm đánh giá.

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024

  • Số hiệu: 54/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1533 đến số 1534
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH