Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật Địa chất và Khoáng sản 2024

Chương II

CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

Điều 10. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

1. Việc lập chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ sau đây:

a) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược bảo vệ Tổ quốc; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; nhu cầu của thị trường thế giới;

b) Bảo đảm tính phối hợp đồng bộ giữa hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản trên phạm vi cả nước; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên địa chất, khoáng sản; 

c) Bảo đảm nhu cầu về khoáng sản, tài nguyên địa chất khác phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội;

d) Kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản đã thực hiện; tiền đề và dấu hiệu địa chất liên quan đến tài nguyên địa chất, khoáng sản;

đ) Phù hợp với nguồn lực của Nhà nước theo từng thời kỳ.

2. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phải có các nội dung chính sau đây:

a) Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khai thác khoáng sản, tài nguyên địa chất; bảo vệ khoáng sản, tài nguyên địa chất chưa khai thác; thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản;

b) Định hướng điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và nghiên cứu khoa học trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản từng thời kỳ; phối hợp, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản của các Bộ, ngành, địa phương;

c) Định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả gắn với yêu cầu bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác;

d) Định hướng thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác trong kỳ lập chiến lược;

đ) Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khai thác, sử dụng khoáng sản, tài nguyên địa chất; bảo vệ khoáng sản, tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng; thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác; dự trữ khoáng sản quốc gia.

3. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 30 năm theo kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương có liên quan lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Điều 11. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản

1. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia, phải bảo đảm nguyên tắc cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản, tài nguyên địa chất khác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống tai biến địa chất; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

2. Căn cứ lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bao gồm các căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:

a) Kết quả thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản của kỳ trước; nhu cầu điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản của các Bộ, ngành, địa phương;

b) Nhu cầu thông tin, dữ liệu về tài nguyên địa chất, khoáng sản và các điều kiện địa chất khác;

c) Tiền đề, dấu hiệu địa chất liên quan đến tài nguyên địa chất, khoáng sản mới phát hiện.

3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch.

Điều 12. Quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản

1. Quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II là quy hoạch ngành quốc gia.

2. Phương án quản lý về địa chất, khoáng sản là hợp phần trong phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

3. Quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc hạn chế chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để khoanh định thành các khu vực có quy mô nhỏ.

4. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; phân công cơ quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II.

Điều 13. Căn cứ và nội dung của quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II

1. Căn cứ lập quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II bao gồm căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:

a) Nhu cầu khoáng sản của các ngành kinh tế;

b) Kết quả điều tra địa chất về khoáng sản;

c) Tiến bộ khoa học và công nghệ trong thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc phát hiện mới về khoáng sản ẩn sâu trong thăm dò, khai thác khoáng sản;

d) Kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; kết quả đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Nội dung quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024

  • Số hiệu: 54/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1533 đến số 1534
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH