Hệ thống pháp luật

Chương 11 Luật Địa chất và Khoáng sản 2024

Chương XI

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

Điều 107. Trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Tổng hợp kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất; hoạt động khoáng sản; quản lý thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản;

b) Khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ; khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng;

c) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành địa chất, khoáng sản trong phạm vi cả nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo về địa chất, khoáng sản; xử lý vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật;

d) Đầu mối tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản;

đ) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Luật này.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước về khoáng sản;

b) Thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất đối với đề án, dự án hoặc nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt;

c) Thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả đánh giá tiềm năng đối với khoáng sản nhóm III, nhóm IV và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt;

d) Tổ chức lưu trữ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

đ) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành địa chất, khoáng sản trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về địa chất, khoáng sản và xử lý vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật; tổ chức việc kiểm soát, giám sát mọi hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản trên địa bàn;

e) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quản lý, bảo vệ các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 66 và khoản 3 Điều 71 của Luật này;

g) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản ở trung ương về tình hình hoạt động địa chất, khoáng sản trên địa bàn;

h) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Luật này.

5. Chính phủ quy định về kiểm tra chuyên ngành địa chất, khoáng sản.

Điều 108. Thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép sau đây:

a) Giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm I, nhóm II;

b) Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép sau đây:

a) Giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm III, giấy phép khai thác khoáng sản nhóm III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV;

b) Giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm I, nhóm II và giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II tại khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố;

c) Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nào thì có quyền cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi, chấp thuận chuyển nhượng, trả lại, cấp đổi giấy phép đó; trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này và điểm b khoản 2 Điều 111 của Luật này.

4. Chính phủ quy định thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp mà trong quá trình thăm dò, khai thác phát hiện khoáng sản đi kèm có trữ lượng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024

  • Số hiệu: 54/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1533 đến số 1534
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH