Điều 22 Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Điều 22. Lựa chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu
1. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu:
a) Thời gian phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và kết quả lựa chọn nhà thầu: không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình duyệt (sau thẩm định);
b) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu: theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 45 Luật Đấu thầu; thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất trong vòng từ 03 ngày làm việc đến không quá 10 ngày, tùy quy mô, tính chất của gói thầu và nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, gói thầu;
c) Thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất tối đa là 30 ngày (đối với đấu thầu trong nước) và 40 ngày (đối với đấu thầu quốc tế); đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày (đối với đấu thầu trong nước) và 60 ngày (đối với đấu thầu quốc tế) kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu hoặc tổ chuyên gia trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần phải gia hạn thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu thì chủ đầu tư báo cáo người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xem xét, quyết định; đối với gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, chủ đầu tư báo cáo người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất để phù hợp với thời gian thực tế thực hiện gói thầu và phải bảo đảm không vượt quá tổng thời gian thực hiện chỉ định thầu quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Đấu thầu.
2. Để tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư quyết định thành lập tổ chuyên gia, hoặc chỉ định đơn vị trực thuộc, giao cho đơn vị thanh toán trực thuộc hoặc lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu trong trường hợp nhân sự không đáp ứng yêu cầu để thực hiện một số nhiệm vụ của đơn vị mua sắm; chỉ định 01 đơn vị trực thuộc có năng lực, kinh nghiệm hoặc thành lập Tổ thẩm định hoặc lựa chọn nhà thầu tư vấn trong trường hợp nhân sự không đáp ứng yêu cầu để thẩm định những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định.
3. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ có giá bán do Nhà nước định giá được quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15, đơn vị mua sắm được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng có thẩm quyền.
4. Hồ sơ mời thầu có nội dung hoặc điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một, một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, thì nội dung, điều kiện này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu; việc xác định các nội dung, điều kiện này thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ; trường hợp quy định xuất xứ không bao gồm Việt Nam thì hàng hóa có xuất xứ Việt Nam vẫn được xem xét, đánh giá và được hưởng ưu đãi. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 03 hãng sản xuất cho 01 mặt hàng xuất xứ Việt Nam đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng và giá, chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa xuất xứ Việt Nam.
5. Khi trình duyệt danh sách ngắn mời tham gia đấu thầu hạn chế hoặc danh sách nhà thầu dự kiến mời nhận hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu, cơ quan trình thuyết minh rõ cơ sở đề xuất để chủ đầu tư xem xét, quyết định.
6. Đối với gói thầu Bộ Công an phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, khi được lãnh đạo Bộ yêu cầu, chủ đầu tư báo cáo xin ý kiến trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo thẩm quyền.
7. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu nêu rõ: danh mục, chủng loại, số lượng, nhãn hiệu, mã hiệu, năm sản xuất, cấu hình, thông số kỹ thuật, xuất xứ của hàng hóa trúng thầu, đơn giá trúng thầu, tổng giá trị trúng thầu, các loại thuế, phí (nếu có), tên và địa chỉ nhà thầu trúng thầu. Đối với các gói thầu Bộ Công an phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị mua sắm gửi Cục Kế hoạch và tài chính 01 bản để quản lý, theo dõi chung.
Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 35/2025/TT-BCA
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 06/05/2025
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Lương Tam Quang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/06/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc đầu tư, mua sắm
- Điều 5. Nguồn vốn, kinh phí mua sắm
- Điều 6. Các hoạt động đầu tư, mua sắm
- Điều 9. Chủ trương đầu tư
- Điều 10. Dự án đầu tư
- Điều 11. Thiết kế dự án
- Điều 12. Dự toán của dự án
- Điều 13. Dự toán mua sắm chi tiết
- Điều 14. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu
- Điều 15. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu
- Điều 16. Hình thức tổ chức thẩm định
- Điều 17. Cơ quan thẩm định
- Điều 18. Hội đồng thẩm định
- Điều 19. Tổ chức thẩm định các nội dung Bộ trưởng Bộ Công an quyết định
- Điều 20. Thẩm định các nội dung Thủ trưởng đơn vị mua sắm quyết định
- Điều 21. Trình duyệt trong đầu tư, mua sắm
- Điều 22. Lựa chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu
- Điều 23. Ký kết hợp đồng
- Điều 24. Nghiệm thu, cấp phát, theo dõi tài sản, hàng hóa, dịch vụ
- Điều 25. Cấp phát, thanh toán vốn, kinh phí mua sắm
- Điều 26. Thẩm định, kiểm soát cấp phát, thanh toán vốn, kinh phí mua sắm
- Điều 27. Quyết toán vốn, kinh phí mua sắm
- Điều 28. Mua sắm tập trung
- Điều 29. Lập nhu cầu sử dụng và tổ chức mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế