Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định một số nội dung về thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền quyết định, phê duyệt trong hoạt động đầu tư, mua sắm; thực hiện hoạt động đầu tư, mua sắm; cấp phát, theo dõi tài sản, hàng hóa; thanh toán, quyết toán vốn, kinh phí đầu tư, mua sắm; kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân.

2. Thông tư này không điều chỉnh:

a) Việc đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng công trình;

b) Việc đầu tư, mua sắm sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập trong Công an nhân dân;

c) Việc mua vật tư, nguyên vật liệu, dịch vụ để sản xuất không thuộc trường hợp được cơ quan, người có thẩm quyền đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất.

3. Các nội dung về đầu tư, mua sắm chưa được quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đấu thầu; ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công an các đơn vị, địa phương, gồm:

a) Đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an;

b) Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Công an cấp tỉnh).

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Hàng hóa, dịch vụ trong Công an nhân dân là hàng hóa thuộc danh mục tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý và các hàng hóa (bao gồm cả thuốc theo quy định của Luật Dược), dịch vụ khác.

2. Dự toán mua sắm chi tiết là tập hợp đề xuất nhu cầu mua sắm khi không lập dự án đầu tư, bao gồm các nội dung về: chủng loại, danh mục hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá, tổng kinh phí, yêu cầu kỹ thuật cơ bản, đối tượng thụ hưởng và nội dung khác để triển khai thực hiện dự toán mua sắm (nguồn kinh phí).

3. Đơn vị mua sắm là Công an các đơn vị, địa phương được giao vốn, kinh phí để tổ chức mua sắm.

4. Cơ sở sản xuất trong Công an nhân dân gồm doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong Công an nhân dân và các cơ sở sản xuất khác thuộc Công an các đơn vị, địa phương được cơ quan, người có thẩm quyền đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm phục vụ nhiệm vụ an ninh.

Điều 4. Nguyên tắc đầu tư, mua sắm

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tuân thủ chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế và dự toán của dự án đầu tư, dự toán mua sắm chi tiết, kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu (nếu có), kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tổ chức mua sắm phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch vốn, kinh phí được giao, kế hoạch thu, chi được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với mua thuốc, dụng cụ, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao sử dụng nguồn thu hoạt động sự nghiệp của bệnh viện).

4. Bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; phù hợp với tiêu chuẩn, định mức; đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.

5. Chỉ mua sắm hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu.

6. Thủ trưởng đơn vị mua sắm được phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư, mua sắm chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Công an về các quyết định của mình. Người được ủy quyền quyết định đầu tư, mua sắm không được ủy quyền tiếp.

Điều 5. Nguồn vốn, kinh phí mua sắm

1. Vốn đầu tư phát triển.

2. Kinh phí thường xuyên.

3. Kinh phí dự trữ quốc gia.

4. Kinh phí đặc biệt.

5. Vốn, kinh phí địa phương hỗ trợ.

6. Vốn, kinh phí hợp pháp khác.

Điều 6. Các hoạt động đầu tư, mua sắm

1. Mua sắm theo dự án đầu tư:

a) Lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, trừ trường hợp không phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định;

b) Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư;

c) Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu (nếu có);

d) Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán (đối với dự án hoặc hạng mục đầu tư có thiết kế 2 bước);

đ) Lựa chọn nhà thầu;

e) Cấp phát, theo dõi tài sản, hàng hóa mua sắm;

g) Kiểm soát, cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư.

2. Mua sắm theo dự toán:

a) Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán mua sắm chi tiết;

b) Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

c) Lựa chọn nhà thầu;

d) Cấp phát, theo dõi tài sản, hàng hóa mua sắm;

đ) Kiểm soát, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí mua sắm.

Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 35/2025/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/05/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lương Tam Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH