Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Mục 2. CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ, DỰ ÁN ĐẦU TƯ, THIẾT KẾ VÀ DỰ TOÁN CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ, DỰ TOÁN MUA SẮM, KẾ HOẠCH TỔNG THỂ LỰA CHỌN NHÀ THẦU, KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ THẦU

Điều 9. Chủ trương đầu tư

1. Lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư:

a) Đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an và Công an cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu và đăng ký danh mục dự án đầu tư công trung hạn theo hướng dẫn của Bộ Công an gửi Cục Kế hoạch và tài chính để báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Cục Kế hoạch và tài chính thông báo để Công an các đơn vị, địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

b) Trường hợp phát sinh nhu cầu đầu tư quan trọng, cấp bách sau thời điểm kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Công an được duyệt, Công an các đơn vị, địa phương đăng ký bổ sung danh mục dự án đầu tư công gửi Cục Kế hoạch và tài chính để báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Cục Kế hoạch và tài chính thông báo để Công an các đơn vị, địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

2. Căn cứ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư:

a) Quy hoạch ngành quốc gia, chương trình, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);

b) Thông báo của Cục Kế hoạch và tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Thực trạng trang thiết bị hiện có;

d) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị; yêu cầu nhiệm vụ công tác, chiến đấu thực tế;

đ) Tài liệu thuyết minh cơ sở xác định sơ bộ tổng mức đầu tư.

3. Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 34, Điều 35 Luật Đầu tư công và quy định khác có liên quan.

Nội dung đề xuất về phương án thiết kế được tích hợp trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Một dự án có thể áp dụng đồng thời hai phương án thiết kế (thiết kế một bước, thiết kế hai bước theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 11 Thông tư này) để phù hợp với nội dung đầu tư; trường hợp áp dụng hai phương án thiết kế, phải đề xuất rõ phương án thiết kế tương ứng với hạng mục đầu tư cụ thể.

4. Điều chỉnh, dừng chủ trương đầu tư được thực hiện theo Điều 37 Luật Đầu tư công và quy định khác có liên quan.

5. Đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 (sau đây gọi là Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung).

Điều 10. Dự án đầu tư

1. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thực hiện theo khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan. Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung.

2. Điều chỉnh dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Đầu tư công và các quy định khác có liên quan. Cục Kế hoạch và tài chính quyết định việc tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá dự án đầu tư làm cơ sở thẩm định điều chỉnh dự án đầu tư.

3. Đối với dự án được Bộ trưởng Bộ Công an phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 7 Thông tư này:

a) Trường hợp hạng mục đầu tư của dự án có yêu cầu đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân, chủ đầu tư lấy ý kiến của đơn vị kỹ thuật chuyên ngành liên quan thuộc Bộ Công an về nội dung thiết kế của hạng mục đó trước khi phê duyệt theo phân cấp, ủy quyền;

b) Các đơn vị được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời chủ đầu tư trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.

Điều 11. Thiết kế dự án

1. Thiết kế một bước là thiết kế chi tiết, được tích hợp trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và được áp dụng với dự án không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

2. Thiết kế hai bước:

a) Gồm thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết. Thiết kế cơ sở được tích hợp trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Thiết kế chi tiết phải phù hợp với các nội dung, thông số chủ yếu của thiết kế cơ sở được phê duyệt trong dự án;

b) Thiết kế hai bước áp dụng với dự án có tổng giá trị các hạng mục yêu cầu lắp đặt, thiết lập hệ thống từ 90 tỷ đồng trở lên và các trường hợp khác người có thẩm quyền quyết định đầu tư thấy cần thiết, yêu cầu phải thiết kế hai bước.

3. Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin, nội dung thiết kế và hồ sơ thiết kế được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung và quy định tại Thông tư này.

4. Đối với thiết kế chi tiết do chủ đầu tư phê duyệt theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 7 Thông tư này: chủ đầu tư lấy ý kiến tham gia của các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành liên quan thuộc Bộ Công an trước khi phê duyệt theo thẩm quyền.

5. Điều chỉnh thiết kế dự án: Thiết kế dự án được điều chỉnh khi nội dung thiết kế đã được duyệt không còn phù hợp với điều kiện thực tế hoặc xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn từ việc điều chỉnh. Đơn vị đề xuất điều chỉnh thiết kế phải báo cáo rõ lý do điều chỉnh, so sánh và phân tích sự phù hợp và tính hiệu quả của phương án điều chỉnh so với nội dung đã được duyệt trước đó, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Điều 12. Dự toán của dự án

1. Dự toán của dự án được lập, thẩm định, trình và phê duyệt đồng thời với thiết kế chi tiết của dự án.

2. Nguyên tắc lập dự toán của dự án:

a) Bảo đảm nguyên tắc đầu tư, mua sắm theo Điều 4 Thông tư này;

b) Dự toán riêng thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có);

c) Đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, giá dự toán là giá CIF hoặc CIP (không bao gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng) và chi phí thực hiện hợp đồng (đã bao gồm đủ các khoản thuế, phí theo quy định), được tính bằng đồng Việt Nam, có quy đổi ra ngoại tệ tương đương theo tỷ giá tại thời điểm lập dự toán của dự án;

Đối với hàng hóa, dịch vụ mua sắm trong nước (gồm hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, gia công trong nước; hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, gia công ở nước ngoài và được chào bán tại Việt Nam), giá dự toán bao gồm đủ các khoản thuế, phí theo quy định, được tính bằng đồng Việt Nam;

Đối với phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được nhưng do yêu cầu công tác nghiệp vụ cần phải mua nhập khẩu thì dự toán đủ khoản thuế nhập khẩu theo quy định.

3. Nội dung dự toán của dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đối với dự toán của dự án ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định tại Thông tư này.

4. Điều chỉnh dự toán của dự án:

Dự toán của dự án được điều chỉnh khi điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án; khi có nội dung trong dự toán đã được duyệt không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Chủ đầu tư báo cáo rõ lý do và trình kèm các tài liệu chứng minh.

Điều 13. Dự toán mua sắm chi tiết

1. Dự toán mua sắm chi tiết được lập bảo đảm nguyên tắc theo khoản 2 Điều 12 Thông tư này; đơn giá dự toán phải phù hợp với yêu cầu, tính năng, thông số kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ dự kiến mua sắm; phù hợp với giá thị trường tại thời điểm lập dự toán.

2. Căn cứ lập dự toán mua sắm chi tiết:

a) Có thông báo chỉ tiêu kinh phí mua sắm, trường hợp chưa có thông báo chỉ tiêu kinh phí nhưng cần mua sắm để đáp ứng yêu cầu cấp bách phục vụ công tác, chiến đấu, phải được người có thẩm quyền cho phép triển khai các thủ tục mua sắm; kế hoạch thu, chi hoạt động sự nghiệp của bệnh viện đối với việc mua thuốc, hóa chất, dụng cụ, vật tư y tế tiêu hao;

b) Các tài liệu làm căn cứ thuyết minh dự toán mua sắm chi tiết (thực trạng trang bị hiện có; tiêu chuẩn, định mức trang bị; yêu cầu, nhiệm vụ công tác; các tài liệu làm căn cứ đề xuất chủng loại, danh mục hàng hóa, dịch vụ, đơn giá và yêu cầu, tính năng, thông số kỹ thuật, đối tượng thụ hưởng).

3. Nội dung dự toán mua sắm chi tiết:

a) Biểu dự toán mua sắm chi tiết gồm các đề xuất về: chủng loại, danh mục; số lượng, đơn giá, thành tiền, tổng dự toán, yêu cầu kỹ thuật cơ bản, đối tượng thụ hưởng, nguồn hàng;

b) Bản thuyết minh dự toán mua sắm gồm các nội dung: sự cần thiết phải mua sắm (phân tích thực trạng; nhu cầu thực tế; đối chiếu với tiêu chuẩn, định mức; danh mục, số lượng đề xuất mua sắm); tính năng, tác dụng, thông số kỹ thuật cơ bản của từng danh mục hàng hóa; sơ đồ bản vẽ, giải pháp thiết kế thi công trong trường hợp mua hệ thống kỹ thuật; thuyết minh đơn giá dự toán.

4. Điều chỉnh dự toán mua sắm chi tiết: Trường hợp cần điều chỉnh nội dung thuộc danh mục, dự toán mua sắm chi tiết đã được phê duyệt, đơn vị đề xuất điều chỉnh dự toán mua sắm rà soát và lập báo cáo, kèm các tài liệu làm căn cứ đề xuất điều chỉnh, bảo đảm nguyên tắc tổng giá trị mua sắm sau điều chỉnh không vượt quá tổng kinh phí mua sắm được thông báo.

5. Đối với mua sắm sử dụng 100% kinh phí địa phương hỗ trợ:

a) Công an cấp tỉnh báo cáo Bộ Công an (qua Cục Kế hoạch và tài chính) để cho ý kiến về chủ trương như sau:

Công an cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu, báo cáo Bộ Công an (qua Cục Kế hoạch và tài chính) về các nội dung: danh mục, số lượng, đơn giá dự toán, đối tượng thụ hưởng bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng, thực trạng hiện có; tính năng, thông số kỹ thuật cơ bản, giải pháp kỹ thuật và công nghệ (nếu có) đối với hàng hóa thuộc danh mục tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

Hồ sơ báo cáo Bộ Công an gồm: văn bản báo cáo xin ý kiến, trong đó có nội dung thuyết minh về sự cần thiết phải mua sắm, trang bị (thống kê, đánh giá thực trạng trang bị, thực trạng địa điểm dự kiến triển khai lắp đặt thiết bị; nhu cầu đầu tư; kết quả đối chiếu với tiêu chuẩn, định mức trang bị; đề xuất danh mục, số lượng, đơn giá và đối tượng trang bị của từng danh mục); các tài liệu kèm theo gồm: quyết định hoặc văn bản của cơ quan, cấp có thẩm quyền của địa phương về việc xác nhận hỗ trợ kinh phí; tài liệu làm căn cứ đề xuất đơn giá dự toán (theo một trong các cách thức: kết quả thẩm định giá/giá hợp đồng tương tự/báo giá/giá niêm yết, giá kê khai; tài liệu về giá phải thể hiện tính năng, tác dụng, cấu hình, thông số kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, kí mã hiệu của hàng hóa);

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Công an cấp tỉnh, Cục Kế hoạch và tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực kế hoạch, tài chính xem xét, cho ý kiến. Sau khi được lãnh đạo Bộ đồng ý về chủ trương, Cục Kế hoạch và tài chính thông báo để đơn vị hoàn thiện hồ sơ, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt dự toán mua sắm chi tiết và tổ chức thực hiện;

b) Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục tài sản chuyên dùng; hàng hóa thuộc danh mục tài sản chuyên dùng có đơn giá từ 500 triệu đồng trở xuống với tổng kinh phí dự kiến mua sắm những hàng hóa này không vượt quá 15 tỷ đồng, Giám đốc Công an cấp tỉnh chủ động phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt dự toán mua sắm chi tiết bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng, đáp ứng yêu cầu công tác, tiết kiệm, hiệu quả;

c) Công an cấp tỉnh báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công an (qua Cục Kế hoạch và tài chính và cơ quan chức năng liên quan) để quản lý, theo dõi.

Điều 14. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu

Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Đấu thầu, Điều 14, Điều 15 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi là Nghị định số 24/2024/NĐ-CP), cụ thể như sau:

1. Trường hợp người có thẩm quyền đồng ý chủ trương lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu thì chủ đầu tư lập, trình người có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu sau khi phê duyệt dự án.

2. Trường hợp cần điều chỉnh một số nội dung thuộc kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt thì chỉ lập, thẩm định, phê duyệt đối với các nội dung có sự điều chỉnh.

Điều 15. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu

1. Nguyên tắc, căn cứ pháp lý lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Thực hiện theo quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 39 Luật Đấu thầu, Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp cần điều chỉnh một hoặc một số nội dung thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt thì chỉ lập, thẩm định, phê duyệt đối với nội dung có sự điều chỉnh.

2. Hình thức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định từ Điều 21 đến Điều 29 Luật Đấu thầukhoản 7, khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu sửa đổi; khoản 1, khoản 4 Điều 2, từ Điều 98 đến Điều 104 Nghị định số 24/2024/NĐ-CPkhoản 20 Điều 2 Nghị định số 17/2025/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu (sau đây gọi là Nghị định số 17/2025/NĐ-CP).

Chủ đầu tư xác định gói thầu có sử dụng thông tin thuộc bí mật nhà nước được chỉ định thầu để bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu. Khi đề nghị thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải thuyết minh rõ yêu cầu bảo mật, phương án bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với mỗi gói thầu là số ngày tính từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu (bao gồm cả thời gian thẩm định). Trường hợp hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu và trường hợp xử lý tình huống theo quy định tại khoản 4 Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, chủ đầu tư không phải trình duyệt điều chỉnh thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt.

Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 35/2025/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/05/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lương Tam Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH