Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Mục 3. THẨM ĐỊNH, TRÌNH DUYỆT ĐẦU TƯ, MUA SẮM

Điều 16. Hình thức tổ chức thẩm định

Việc tổ chức thẩm định trong đầu tư, mua sắm được thực hiện theo hình thức cơ quan thẩm định hoặc hội đồng, tổ thẩm định.

1. Các trường hợp thẩm định theo hình thức cơ quan thẩm định:

a) Chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế chi tiết và dự toán của dự án đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Dự toán mua sắm chi tiết; kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

c) Các nội dung chủ đầu tư phê duyệt quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 78 Luật Đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

2. Các trường hợp thẩm định theo hình thức hội đồng, tổ thẩm định:

a) Chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia và chủ trương đầu tư dự án nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ (thẩm định nội bộ Bộ Công an); dự án đầu tư nhóm A có tổng giá trị các hạng mục thiết kế 2 bước từ 1.600 tỷ đồng trở lên; các trường hợp khác khi người có thẩm quyền quyết định;

b) Thủ trưởng đơn vị mua sắm được thành lập tổ thẩm định để thực hiện thẩm định các nội dung do mình quyết định.

Điều 17. Cơ quan thẩm định

1. Cơ quan chủ trì thẩm định quyết định việc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan trong và ngoài ngành Công an hoặc thuê tư vấn thẩm tra trong quá trình thẩm định và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức thẩm định và kết quả thẩm định.

2. Cơ quan phối hợp thẩm định nghiên cứu, có ý kiến bằng văn bản trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan chủ trì; chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định của mình.

Điều 18. Hội đồng thẩm định

1. Nguyên tắc thẩm định theo hình thức Hội đồng:

a) Hội đồng thẩm định làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; nguyên tắc tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm. Chủ tịch Hội đồng thẩm định thông qua kết luận;

b) Các phiên họp Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Hội đồng triệu tập phải có ít nhất 3/4 số thành viên của Hội đồng có mặt;

c) Trường hợp Hội đồng thẩm định không tổ chức họp, Chủ tịch Hội đồng quyết định và giao Thư ký Hội đồng lấy ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng bằng văn bản để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Hội đồng;

d) Trong quá trình thẩm định, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định việc thành lập tổ giúp việc và báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thuê tư vấn thẩm tra, lấy ý kiến tham gia của chuyên gia, cơ quan có liên quan trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân.

2. Thành phần, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng thẩm định

a) Thành phần Hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên đại diện các cơ quan liên quan;

b) Thành viên Hội đồng thẩm định phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác về lĩnh vực kế hoạch, tài chính, kỹ thuật và các lĩnh vực khác liên quan đến nội dung thẩm định. Đối với thẩm định đấu thầu, thành viên Hội đồng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; cá nhân tham gia tổ chuyên gia không đồng thời tham gia Hội đồng thẩm định của cùng một gói thầu.

3. Quyền và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thẩm định

a) Chủ trì các phiên họp thẩm định;

b) Ký Báo cáo kết quả thẩm định;

c) Quyết định các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động của Hội đồng;

d) Chịu trách nhiệm về công tác tổ chức thẩm định và kết quả thẩm định của Hội đồng.

4. Quyền và trách nhiệm của Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định (nếu có)

a) Chủ trì họp thẩm định, ký Báo cáo kết quả thẩm định khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền và chịu trách nhiệm trong phạm vi được ủy quyền;

b) Thực hiện quyền và trách nhiệm của thành viên Hội đồng.

5. Quyền và trách nhiệm của Thư ký Hội đồng thẩm định

a) Tham mưu, giúp Hội đồng trong việc tổ chức thẩm định (tiếp nhận và gửi tài liệu liên quan đến công tác thẩm định; tổng hợp ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng; chuẩn bị tài liệu họp và ghi biên bản họp Hội đồng; dự thảo Báo cáo thẩm định xin ý kiến Hội đồng để Chủ tịch Hội đồng báo cáo cấp có thẩm quyền; thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác thẩm định khi được Chủ tịch Hội đồng giao);

b) Thực hiện quyền và trách nhiệm của thành viên Hội đồng thẩm định.

6. Quyền và trách nhiệm của thành viên Hội đồng thẩm định

a) Nghiên cứu hồ sơ, có ý kiến thẩm định bằng văn bản và gửi Chủ tịch Hội đồng đúng thời hạn;

b) Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng;

c) Được quyền bảo lưu và chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định của mình.

Điều 19. Tổ chức thẩm định các nội dung Bộ trưởng Bộ Công an quyết định

1. Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị thẩm định, Cục Kế hoạch và tài chính kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và có văn bản đề nghị đơn vị mua sắm bổ sung tài liệu trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ. Sau khi nhận hồ sơ đề nghị thẩm định hợp lệ, Cục Kế hoạch và tài chính tổ chức thẩm định, có văn bản đề nghị chủ đầu tư tiếp thu, giải trình (nếu có) và hoàn thiện hồ sơ thẩm định.

Đối với trường hợp thẩm định theo hình thức Hội đồng: Cục Kế hoạch và tài chính báo cáo lãnh đạo Bộ thành lập Hội đồng để tổ chức thẩm định.

Đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Công nghệ thông tin thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết; trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thẩm định, gửi kết quả thẩm định cho Cục Kế hoạch và tài chính để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ thẩm định. Trường hợp Cục Công nghệ thông tin đồng thời là chủ đầu tư thì Cục Kế hoạch và tài chính thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định

a) Hồ sơ đề nghị thẩm định chủ trương đầu tư gồm: văn bản đề nghị thẩm định; văn bản có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an phụ trách về nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (trong đó, thuyết minh rõ về sự cần thiết phải đầu tư, quy mô đầu tư; thống kê, đánh giá thực trạng trang bị, thực trạng địa điểm dự kiến triển khai lắp đặt thiết bị; nhu cầu đầu tư; kết quả đối chiếu với tiêu chuẩn, định mức trang bị; đề xuất danh mục, số lượng và đối tượng trang bị của từng danh mục); tài liệu làm căn cứ đề xuất đơn giá dự toán để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư (theo một trong các cách thức: kết quả thẩm định giá/giá hợp đồng tương tự/báo giá/giá niêm yết, giá kê khai; tài liệu về giá phải thể hiện tính năng, tác dụng, cấu hình, thông số kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, kí mã hiệu của hàng hóa); văn bản của địa phương về việc bố trí, hỗ trợ vốn, kinh phí (đối với dự án mua sắm hàng hóa thuộc danh mục tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ), các tài liệu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Hồ sơ đề nghị thẩm định dự án đầu tư gồm: văn bản đề nghị thẩm định; Báo cáo nghiên cứu khả thi; các tài liệu làm căn cứ đề xuất thiết kế, dự toán; các tài liệu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Trường hợp đề nghị thẩm định dự án đầu tư sau 06 tháng kể từ ngày chủ trương đầu tư được duyệt và hoặc các tài liệu làm căn cứ xác định sơ bộ tổng mức đầu tư hết hiệu lực, chủ đầu tư phải xây dựng đơn giá dự toán để xác định tổng mức đầu tư theo điểm a khoản này.

Hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung;

c) Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế chi tiết và dự toán dự án gồm: văn bản đề nghị thẩm định; quyết định phê duyệt đầu tư; hồ sơ thiết kế chi tiết và dự toán dự án; các tài liệu làm căn cứ đề xuất thiết kế chi tiết (bao gồm cả kết quả khảo sát thực địa) và dự toán để xác định tổng dự toán; các tài liệu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Trường hợp đề nghị thẩm định dự toán của dự án đầu tư sau 06 tháng kể từ ngày chủ trương đầu tư được duyệt và hoặc các tài liệu làm căn cứ xác định sơ bộ tổng mức đầu tư hết hiệu lực, chủ đầu tư phải xây dựng đơn giá dự toán theo điểm a khoản này.

Hồ sơ thiết kế chi tiết của dự án ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung;

d) Hồ sơ đề nghị thẩm định dự toán mua sắm chi tiết gồm: văn bản đề nghị thẩm định; dự toán mua sắm chi tiết và tài liệu làm căn cứ đề xuất đơn giá dự toán theo điểm a khoản này;

đ) Hồ sơ đề nghị thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu gồm: văn bản đề nghị thẩm định; văn bản có ý kiến chấp thuận của người có thẩm quyền về chủ trương lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu; dự thảo quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu; dự thảo tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, tài liệu thuyết minh chi tiết và tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan về lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu;

e) Hồ sơ đề nghị thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm: văn bản đề nghị thẩm định, dự thảo quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự thảo tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trường hợp kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau 06 tháng kể từ ngày chủ trương đầu tư hoặc dự toán mua sắm chi tiết được duyệt và hoặc các tài liệu làm cơ sở xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, đơn giá dự toán mua sắm chi tiết hết hiệu lực, chủ đầu tư phải tiến hành thu thập các tài liệu để xây dựng giá gói thầu theo Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, khoản 32 Điều 2 Nghị định số 17/2025/NĐ-CP và gửi kèm theo các tài liệu chứng minh;

g) Số lượng bộ hồ sơ đề nghị thẩm định là 02 bộ. Trường hợp thẩm định theo hình thức Hội đồng hoặc cần thiết phải lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, Cục Kế hoạch và tài chính yêu cầu đơn vị mua sắm bổ sung số lượng hồ sơ phù hợp phục vụ công tác thẩm định.

3. Nội dung thẩm định:

a) Thẩm định chủ trương đầu tư bao gồm: kiểm tra sự phù hợp, đầy đủ về nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; sự phù hợp với tiêu chuẩn, định mức trang bị, nhu cầu sử dụng thực tế (trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn, định mức trang bị); sự phù hợp của phương án thiết kế theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư này; các nội dung khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Thẩm định dự án đầu tư bao gồm: kiểm tra sự phù hợp, đầy đủ về nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi; các nội dung khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công; các nội dung theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin;

c) Thẩm định thiết kế, dự toán của dự án bao gồm: kiểm tra việc thực hiện quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư này; các nội dung khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công; và các nội dung theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin;

d) Thẩm định dự toán mua sắm chi tiết: kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp và khả thi của các nội dung được đề xuất trong dự toán mua sắm chi tiết theo Điều 13 Thông tư này;

đ) Thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu: kiểm tra căn cứ pháp lý của việc lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, tính đầy đủ, phù hợp và khả thi của dự thảo kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu;

e) Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu: kiểm tra căn cứ pháp lý của việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tính đầy đủ, phù hợp và khả thi của dự thảo kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

4. Thời gian thẩm định được tính từ ngày cơ quan chủ trì thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không bao gồm thời gian nghiên cứu, giải trình của cơ quan đề nghị thẩm định:

a) Thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư và thiết kế, dự toán của dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Thẩm định dự toán mua sắm chi tiết: không quá 30 ngày;

c) Thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu và kế hoạch lựa chọn nhà thầu: không quá 20 ngày.

Điều 20. Thẩm định các nội dung Thủ trưởng đơn vị mua sắm quyết định

1. Trách nhiệm thẩm định: thủ trưởng đơn vị mua sắm giao cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc thành lập hội đồng thẩm định (tổ thẩm định) để tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt. Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin, việc tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định thực hiện theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 19 Thông tư này. Hồ sơ thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; hồ sơ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 130 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

3. Nội dung thẩm định dự án đầu tư, thiết kế chi tiết và dự toán của dự án đầu tư, dự toán mua sắm chi tiết, kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư này. Nội dung thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; nội dung thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 130 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

4. Thời gian thẩm định các nội dung thuộc khoản 3 Điều này thực hiện theo khoản 4 Điều 19 Thông tư này. Thời gian thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu: không quá 20 ngày.

Điều 21. Trình duyệt trong đầu tư, mua sắm

1. Đối với chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia và chủ trương đầu tư dự án nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ: căn cứ kết quả thẩm định nội bộ Bộ Công an, đơn vị được giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an ký trình cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Trình duyệt các nội dung Bộ trưởng Bộ Công an quyết định:

a) Đối với chủ trương đầu tư: căn cứ kết quả thẩm định, đơn vị được giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Kế hoạch và tài chính tổng hợp, xin ý kiến Thứ trưởng phụ trách kế hoạch, tài chính trước khi trình Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công quyết định. Đối với trường hợp phải báo cáo xin ý kiến Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Cục Kế hoạch và tài chính báo cáo và tổng hợp trình Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công quyết định;

b) Đối với dự án đầu tư; dự toán mua sắm chi tiết; kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu hoặc kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thiết kế chi tiết và dự toán của dự án: căn cứ kết quả thẩm định, đơn vị mua sắm hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách đơn vị mua sắm quyết định;

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, nếu có nội dung chưa thống nhất với kết quả thẩm định, đơn vị mua sắm trao đổi với Cục Kế hoạch và tài chính để thống nhất trước khi trình duyệt theo quy định.

3. Trình duyệt các nội dung Thủ trưởng đơn vị mua sắm quyết định: đơn vị, tổ chức được Thủ trưởng đơn vị mua sắm giao thẩm định tiến hành thẩm định để trình duyệt theo quy định.

Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 35/2025/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/05/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lương Tam Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH