Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 2 Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Mục 4. LỰA CHỌN NHÀ THẦU; CẤP PHÁT, THEO DÕI TÀI SẢN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ MUA SẮM

Điều 22. Lựa chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu

1. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu:

a) Thời gian phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và kết quả lựa chọn nhà thầu: không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình duyệt (sau thẩm định);

b) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu: theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 45 Luật Đấu thầu; thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất trong vòng từ 03 ngày làm việc đến không quá 10 ngày, tùy quy mô, tính chất của gói thầu và nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, gói thầu;

c) Thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất tối đa là 30 ngày (đối với đấu thầu trong nước) và 40 ngày (đối với đấu thầu quốc tế); đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày (đối với đấu thầu trong nước) và 60 ngày (đối với đấu thầu quốc tế) kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu hoặc tổ chuyên gia trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần phải gia hạn thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu thì chủ đầu tư báo cáo người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xem xét, quyết định; đối với gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, chủ đầu tư báo cáo người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất để phù hợp với thời gian thực tế thực hiện gói thầu và phải bảo đảm không vượt quá tổng thời gian thực hiện chỉ định thầu quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Đấu thầu.

2. Để tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư quyết định thành lập tổ chuyên gia, hoặc chỉ định đơn vị trực thuộc, giao cho đơn vị thanh toán trực thuộc hoặc lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu trong trường hợp nhân sự không đáp ứng yêu cầu để thực hiện một số nhiệm vụ của đơn vị mua sắm; chỉ định 01 đơn vị trực thuộc có năng lực, kinh nghiệm hoặc thành lập Tổ thẩm định hoặc lựa chọn nhà thầu tư vấn trong trường hợp nhân sự không đáp ứng yêu cầu để thẩm định những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định.

3. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ có giá bán do Nhà nước định giá được quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15, đơn vị mua sắm được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng có thẩm quyền.

4. Hồ sơ mời thầu có nội dung hoặc điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một, một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, thì nội dung, điều kiện này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu; việc xác định các nội dung, điều kiện này thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ; trường hợp quy định xuất xứ không bao gồm Việt Nam thì hàng hóa có xuất xứ Việt Nam vẫn được xem xét, đánh giá và được hưởng ưu đãi. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 03 hãng sản xuất cho 01 mặt hàng xuất xứ Việt Nam đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng và giá, chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa xuất xứ Việt Nam.

5. Khi trình duyệt danh sách ngắn mời tham gia đấu thầu hạn chế hoặc danh sách nhà thầu dự kiến mời nhận hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu, cơ quan trình thuyết minh rõ cơ sở đề xuất để chủ đầu tư xem xét, quyết định.

6. Đối với gói thầu Bộ Công an phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, khi được lãnh đạo Bộ yêu cầu, chủ đầu tư báo cáo xin ý kiến trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo thẩm quyền.

7. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu nêu rõ: danh mục, chủng loại, số lượng, nhãn hiệu, mã hiệu, năm sản xuất, cấu hình, thông số kỹ thuật, xuất xứ của hàng hóa trúng thầu, đơn giá trúng thầu, tổng giá trị trúng thầu, các loại thuế, phí (nếu có), tên và địa chỉ nhà thầu trúng thầu. Đối với các gói thầu Bộ Công an phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị mua sắm gửi Cục Kế hoạch và tài chính 01 bản để quản lý, theo dõi chung.

Điều 23. Ký kết hợp đồng

1. Việc ký kết hợp đồng, sửa đổi hợp đồng phải bảo đảm tuân thủ quy định tại các điều từ Điều 64 đến Điều 70 Luật Đấu thầu, từ Điều 105 đến Điều 112 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến khi các bên tham gia hợp đồng hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng. Trong hợp đồng phải quy định cụ thể thời gian thực hiện gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng và mốc thời gian hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng.

3. Hiệu lực của hợp đồng được tính từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên tham gia hợp đồng thanh lý hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật; việc thanh lý hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 113 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

4. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thể xem xét, sửa đổi hợp đồng theo quy định tại Điều 70 Luật Đấu thầu, Điều 106 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các quy định sau đây:

a) Việc sửa đổi các nội dung về tiến độ, khối lượng, giá chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng, trừ trường hợp áp dụng tùy chọn mua thêm;

b) Các bên tham gia hợp đồng đánh giá phương án dự kiến sửa đổi và thỏa thuận, thống nhất ký phụ lục sửa đổi hợp đồng. Đối với trường hợp sửa đổi hợp đồng về thông số kỹ thuật của hàng hóa thì phương án sửa đổi phải được đánh giá tối thiểu là tương đương so với thông số kỹ thuật của hàng hóa trong hợp đồng đã ký;

c) Trường hợp sửa đổi hợp đồng xuất phát từ yêu cầu của nhà thầu thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân để có phương án giải quyết phù hợp;

d) Khi sửa đổi hợp đồng làm thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng hoặc vượt giá gói thầu (bao gồm dự phòng) được duyệt và những nội dung khác đã được người có thẩm quyền phê duyệt khi thực hiện đầu tư, mua sắm thì chủ đầu tư phải báo cáo người có thẩm quyền cho phép trước khi thực hiện.

Điều 24. Nghiệm thu, cấp phát, theo dõi tài sản, hàng hóa, dịch vụ

1. Đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm về tính khách quan, minh bạch, trung thực và độ chính xác, đầy đủ của kết quả nghiệm thu; chỉ tổ chức nghiệm thu sau khi nhà thầu thực hiện hợp đồng bàn giao đúng và đầy đủ, cụ thể như sau:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi cung cấp của gói thầu (bao gồm cả việc thiết lập, lắp đặt các hệ thống thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hướng dẫn sử dụng, vận hành máy móc, thiết bị và các nội dung khác đã thỏa thuận);

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa, dịch vụ theo quy định của hợp đồng.

2. Nghiệm thu đối với hàng hóa, dịch vụ không phải thi công lắp đặt, thiết lập hệ thống theo quy định của hợp đồng:

a) Kiểm tra số lượng và nội dung của hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa;

b) Kiểm tra số lượng, tình trạng, thông tin, thông số kỹ thuật của hàng hóa (dựa trên hàng hóa thực tế và các hồ sơ, giấy tờ kèm theo);

c) Kiểm tra toàn bộ lô hàng hoặc xác suất nhằm xác nhận hàng hóa hoạt động bình thường;

d) Xác nhận các nội dung đã được thực hiện theo quy định của hợp đồng và các nội dung cần thực hiện ngoài quy định của hợp đồng (nếu có);

đ) Lập biên bản nghiệm thu, có chữ ký xác nhận của các bên tham gia nghiệm thu.

3. Nghiệm thu hàng hóa là hệ thống thiết bị kỹ thuật phức tạp, đặc thù phải thi công cài đặt, thiết lập thành hệ thống:

a) Nghiệm thu hàng hóa trước khi đưa vào thi công cài đặt, thiết lập thành hệ thống thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều này;

b) Kiểm tra hoạt động tổng thể của hệ thống thiết bị kỹ thuật sau khi được thi công cài đặt, thiết lập thành hệ thống;

c) Vận hành thử nghiệm hệ thống trong thời gian theo quy định của hợp đồng để đánh giá tính năng bảo đảm hệ thống hoạt động bình thường;

d) Lập biên bản nghiệm thu tổng thể, có chữ ký xác nhận của các bên tham gia nghiệm thu.

4. Cấp phát, theo dõi tài sản, hàng hóa mua sắm:

a) Sau khi tài sản, hàng hóa được bàn giao, nghiệm thu theo hợp đồng, căn cứ quyết định trang bị của cấp có thẩm quyền, đơn vị mua sắm cấp phát và báo nợ hiện vật cho đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan với nguyên giá tài sản cố định hoặc giá trị hàng hóa theo giá tạm tính (giá quyết toán hợp đồng hoặc giá theo hóa đơn nhà thầu cung cấp);

b) Căn cứ giấy báo nợ hiện vật, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản có trách nhiệm hạch toán kế toán tài sản, hàng hóa được trang bị theo chế độ kế toán hiện hành;

c) Khi dự án đầu tư, dự toán mua sắm được phê duyệt quyết toán, đơn vị mua sắm phân bổ các chi phí chung, chi phí khác của dự án đầu tư, dự toán mua sắm vào giá trị tài sản, hàng hóa được hình thành qua đầu tư, mua sắm theo quy định và thông báo cho đơn vị quản lý, sử dụng tài sản thực hiện điều chỉnh lại nguyên giá tài sản cố định hoặc giá trị hàng hóa đã được hạch toán trên sổ kế toán của đơn vị.

Thông tư 35/2025/TT-BCA quy định về đầu tư, mua sắm trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 35/2025/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/05/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lương Tam Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH