Chương 5 Thông tư 05/2025/TT-BNV quy định nghiệp vụ lưu trữ tài liệu lưu trữ số do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Điều 26. Nguyên tắc bảo quản tài liệu lưu trữ số
1. Tài liệu lưu trữ số phải được bảo quản an toàn, xác thực, bảo mật cùng cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ trên các phương tiện lưu trữ và được chuyển đổi theo công nghệ phù hợp.
2. Tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ phải được kiểm tra, sao lưu để bảo đảm an toàn, tính toàn vẹn, khả năng truy cập và sử dụng các biện pháp kỹ thuật để việc phân loại, lưu trữ được thuận lợi nhưng phải bảo đảm không thay đổi nội dung tài liệu.
3. Thiết bị, phương tiện lưu trữ tài liệu lưu trữ số, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ được quản lý và bảo quản an toàn theo quy định về Kho lưu trữ số.
4. Bảo đảm khả năng truy cập, quản lý, tìm kiếm, cập nhật, chia sẻ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
Điều 27. Yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ số
1. Tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ phải được sao lưu ít nhất hai bộ, mỗi bộ trên một phương tiện lưu trữ độc lập, việc sao lưu phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời, an toàn.
2. Bảo đảm thống nhất quy trình kiểm tra, sao lưu, phục hồi tài liệu lưu trữ số với kiểm tra, sao lưu, phục hồi với cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
3. Tài liệu lưu trữ số được kiểm tra, sao lưu, phục hồi đồng thời với cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
4. Quy trình, thủ tục, cách thức kiểm tra, sao lưu, phục hồi tài liệu lưu trữ số được thực hiện đồng bộ với quy trình, thủ tục, cách thức kiểm tra, sao lưu, phục hồi cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
5. Hạ tầng kỹ thuật, phần mềm bảo quản tài liệu lưu trữ số thực hiện theo quy định về Kho lưu trữ số.
Điều 28. Cấu trúc hồ sơ, tài liệu lưu trữ số dùng để bảo quản
Cấu trúc dữ liệu hồ sơ, tài liệu lưu trữ số dùng để bảo quản thực hiện theo cấu trúc gói AIP_hoso hoặc AIP_tailieu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư này.
Điều 29. Kiểm tra tài liệu lưu trữ số
1. Hằng năm cơ quan, tổ chức phải lập kế hoạch kiểm tra tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ thuộc phạm vi quản lý.
2. Định kỳ và trong thời hạn 03 năm, cơ quan, tổ chức phải bảo đảm kiểm tra toàn bộ tài liệu lưu trữ số thuộc phạm vi quản lý.
3. Nội dung kiểm tra
a) Kiểm tra khả năng tiếp cận, sử dụng, cập nhật của thông tin về dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ số.
b) Kiểm tra quá trình bảo quản và bảo đảm an toàn thông tin đối với tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
c) Kiểm tra tính chính xác thông tin về dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ số với tệp tin tài liệu lưu trữ kèm theo (nếu có).
4. Kiểm tra tài liệu lưu trữ số được thực hiện như sau:
a) Xác định và phân loại nguồn tài liệu lưu trữ số kiểm tra (chọn phông lưu trữ để chọn điểm và chọn xác suất cơ sở dữ liệu trong phông).
b) Khởi động hệ thống trang thiết bị, phần mềm phục vụ kiểm tra.
c) Kết nối hệ thống phục vụ kiểm tra với phương tiện lưu trữ.
d) Kiểm tra tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
đ) Thống kê danh mục tài liệu kiểm tra gồm tên tệp tin kiểm tra, địa chỉ lưu trữ tệp tin bị lỗi.
e) Ghi biên bản theo quy định tại Mục 1 Phụ lục VII Thông tư này.
g) Thực hiện phương án khắc phục lỗi (bổ sung các trường tin bị lỗi, bổ sung dữ liệu từ các nguồn dự phòng, số hóa lại tài liệu bị lỗi và bổ sung vào Hệ thống).
h) Lập hồ sơ về quá trình kiểm tra.
Điều 30. Sao lưu tài liệu lưu trữ số
1. Thời gian và phương thức sao lưu
a) Tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ phải sao lưu hằng ngày theo phương thức sao lưu gia tăng, định kỳ hằng tháng phải sao lưu theo phương thức sao lưu đầy đủ.
b) Tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ phải sao lưu 03 năm/01 lần theo phương thức sao lưu đầy đủ; dữ liệu chủ của hồ sơ, tài liệu lưu trữ được sao lưu.
2. Hệ thống sao lưu cần được kiểm tra định kỳ mỗi quý và phải báo cáo cơ quan quản lý để dự báo tình huống, kịp thời xử lý các sự cố và có giải pháp khắc phục hư hỏng.
3. Thực hiện việc sao lưu định kỳ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ như sau
a) Xác định nguồn dữ liệu sao lưu.
b) Chuẩn bị, kiểm tra phương tiện sao lưu.
c) Thực hiện sao lưu đối với mã nguồn phần mềm và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ vào phương tiện lưu trữ.
d) Kiểm tra kết quả sao lưu sau khi hoàn thành sao lưu. Trường hợp kết quả sao lưu không đạt yêu cầu thì đề xuất biện pháp khắc phục lỗi và báo cáo người có trách nhiệm xử lý. Trường hợp việc sao lưu đạt yêu cầu thì chuyển phương tiện lưu trữ chứa cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ sao lưu vào nơi bảo quản.
đ) Bảo quản phương tiện lưu trữ chứa cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ sao lưu theo quy định của cơ quan, tổ chức.
e) Ghi nhật ký và lập Biên bản sao lưu theo quy định tại Mục 2 và Mục 3 Phụ lục VII Thông tư này.
h) Lập hồ sơ quá trình sao lưu.
4. Chuyển đổi phương tiện lưu trữ
Tài liệu lưu trữ số phải được chuyển đổi phương tiện lưu trữ trong thời hạn ngắn hơn ít nhất 01 năm so với thời hạn độ bền của phương tiện lưu trữ hoặc theo khuyến cáo của nhà sản xuất phương tiện lưu trữ.
Điều 31. Xử lý sự cố và phục hồi tài liệu lưu trữ số
1. Khi có sự cố tin học, cơ quan, tổ chức cần xác định nguyên nhân xảy ra sự cố do lỗi phần cứng hoặc lỗi phần mềm để tìm giải pháp khắc phục.
2. Thực hiện cách ly tài liệu lưu trữ số với nguồn gây hỏng dữ liệu, khắc phục sự cố phần cứng, chặn tấn công xâm nhập mạng, tắt tiến trình phần mềm bảo đảm hệ thống vận hành bình thường.
3. Kiểm tra lỗi phần mềm đối với hệ điều hành, kiểm tra cơ sở dữ liệu Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số để xác định các biện pháp phục hồi.
4. Khi đã xác định nguồn tài liệu lưu trữ số cần phục hồi, người được giao nhiệm vụ xử lý lấy tệp tin sao lưu gần nhất trước thời điểm xảy ra sự cố để tiến hành phục hồi.
a) Trường hợp tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ gặp sự cố, người được giao nhiệm vụ thực hiện khôi phục lại dữ liệu bằng cách sử dụng tệp tin sao lưu dữ liệu gần nhất trước thời điểm xảy ra sự cố bằng chức năng Backup/Restore của hệ quản trị cơ sở dữ liệu hoặc chức năng phục hồi dữ liệu của phần mềm ứng dụng.
b) Trường hợp phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu gặp sự cố thì thực hiện lưu lại dữ liệu tài liệu lưu trữ và tiến hành cài đặt lại hệ quản trị cơ sở dữ liệu, sử dụng chức năng Attach Database của hệ quản trị cơ sở dữ liệu để phục hồi lại dữ liệu đã lưu lại ở bước trên hoặc sử dụng dữ liệu sao lưu gần nhất trước thời điểm xảy ra sự cố để tiến hành phục hồi dữ liệu.
c) Trường hợp phần mềm ứng dụng gặp sự cố thì thực hiện khôi phục lại bằng cách sử dụng phần mềm ứng dụng đã được sao lưu gần nhất trước thời điểm xảy ra sự cố.
5. Khi hệ thống hoạt động trở lại, người được giao xử lý sự cố thực hiện kiểm tra dữ liệu để bảo đảm dữ liệu sau khi phục hồi hoàn toàn đầy đủ, chính xác so với trước thời điểm xảy ra sự cố.
6. Lập biên bản xử lý sự cố và phục hồi cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ theo quy định tại Mục 4 Phụ lục VII Thông tư này.
7. Lập hồ sơ về xử lý sự cố và phục hồi cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
Thông tư 05/2025/TT-BNV quy định nghiệp vụ lưu trữ tài liệu lưu trữ số do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 05/2025/TT-BNV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 14/05/2025
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Cao Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Cấu trúc dữ liệu tài liệu lưu trữ số
- Điều 5. Lập kế hoạch số hóa
- Điều 6. Bảo đảm an toàn tài liệu lưu trữ trong quá trình số hóa
- Điều 7. Bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình số hóa
- Điều 8. Thể thức, kỹ thuật trình bày và cấu trúc dữ liệu tài liệu lưu trữ số hóa
- Điều 9. Quy trình số hóa tài liệu lưu trữ giấy
- Điều 10. Quy trình số hóa tài liệu lưu trữ ảnh
- Điều 11. Quy trình số hóa tài liệu lưu trữ phim âm bản
- Điều 12. Quy trình số hóa tài liệu lưu trữ ghi âm hoặc video
- Điều 13. Yêu cầu đối với việc chuyển đổi tài liệu lưu trữ số sang tài liệu lưu trữ giấy
- Điều 14. Thể thức và kỹ thuật trình bày tài liệu lưu trữ chuyển đổi từ tài liệu lưu trữ số dạng văn bản
- Điều 15. Thể thức và kỹ thuật trình bày tài liệu lưu trữ chuyển đổi từ tài liệu lưu trữ số dạng ảnh, phim âm bản
- Điều 16. Thể thức và kỹ thuật trình bày tài liệu lưu trữ chuyển đổi từ tài liệu lưu trữ số dạng ghi âm
- Điều 17. Cấu trúc của hồ sơ, tài liệu nộp
- Điều 18. Cách thức thu nộp hồ sơ, tài liệu lưu trữ số
- Điều 19. Thu nộp hồ sơ, tài liệu lưu trữ số vào lưu trữ hiện hành
- Điều 20. Đăng ký nộp hồ sơ, tài liệu lưu trữ số vào lưu trữ lịch sử trên Hệ thống
- Điều 21. Xác nhận yêu cầu nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử trên Hệ thống
- Điều 22. Nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử trên Hệ thống
- Điều 23. Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu nộp vào lưu trữ lịch sử trên Hệ thống
- Điều 24. Xử lý nghiệp vụ đối với hồ sơ, tài liệu nộp vào lưu trữ lịch sử trên Hệ thống
- Điều 25. Phê duyệt hồ sơ, tài liệu nộp và hoàn thành việc thu nộp vào lưu trữ lịch sử
- Điều 26. Nguyên tắc bảo quản tài liệu lưu trữ số
- Điều 27. Yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ số
- Điều 28. Cấu trúc hồ sơ, tài liệu lưu trữ số dùng để bảo quản
- Điều 29. Kiểm tra tài liệu lưu trữ số
- Điều 30. Sao lưu tài liệu lưu trữ số
- Điều 31. Xử lý sự cố và phục hồi tài liệu lưu trữ số
- Điều 32. Yêu cầu sử dụng tài liệu lưu trữ số
- Điều 33. Sử dụng tài liệu lưu trữ số tại lưu trữ hiện hành
- Điều 34. Sử dụng tài liệu lưu trữ số tại lưu trữ lịch sử
- Điều 35. Tra cứu thông tin và đăng ký yêu cầu đọc tài liệu lưu trữ số
- Điều 36. Tiếp nhận và xét duyệt yêu cầu đọc tài liệu lưu trữ số
- Điều 37. Bản dành cho người sử dụng đọc trên Hệ thống
- Điều 38. Đăng ký yêu cầu
- Điều 39. Tiếp nhận và xét duyệt yêu cầu
- Điều 40. Bản sao tài liệu lưu trữ số không có xác thực
- Điều 41. Bản sao tài liệu lưu trữ số có xác thực
- Điều 42. Bản sao tài liệu lưu trữ số có xác thực dạng gói tin DIP
- Điều 43. Bản sao tài liệu lưu trữ số định dạng giấy
- Điều 44. Các hình thức cung cấp thông tin từ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ
- Điều 45. Đăng ký yêu cầu
- Điều 46. Tiếp nhận và xét duyệt yêu cầu
- Điều 47. Xử lý nghiệp vụ và trả kết quả cho người dùng