Hệ thống pháp luật

Điều 2 Luật Thanh tra 2025

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

2. Người tiến hành thanh tra bao gồm người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra.

3. Định hướng chương trình thanh tra là văn bản xác định phương hướng và trọng tâm hoạt động thanh tra trong 01 năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ.

4. Kế hoạch thanh tra là văn bản xác định nhiệm vụ chủ yếu về thanh tra trong 01 năm do Thủ trưởng cơ quan thanh tra ban hành để thực hiện Định hướng chương trình thanh tra và phục vụ yêu cầu quản lý.

5. Kế hoạch tiến hành thanh tra là văn bản xác định cụ thể nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời gian thanh tra và cách thức tổ chức thực hiện một cuộc thanh tra do Trưởng đoàn thanh tra xây dựng và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

6. Phạm vi thanh tra là giới hạn cụ thể về nội dung, đối tượng và thời kỳ thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra.

7. Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra.

8. Nội dung thanh tra là việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

9. Thời kỳ thanh tra là khoảng thời gian thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra được xem xét, đánh giá trong một cuộc thanh tra.

10. Thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.

11. Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là việc theo dõi, xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra trong thời hạn thanh tra.

12. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra nhận xét, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

13. Kết luận thanh tra là văn bản do người ra quyết định thanh tra ký ban hành để đánh giá, kết luận và kiến nghị về nội dung đã thanh tra.

14. Quyết định xử lý về thanh tra bao gồm quyết định của người tiến hành thanh tra để thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra và quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thanh tra để thực hiện kết luận thanh tra.

Luật Thanh tra 2025

  • Số hiệu: 84/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 25/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH