Hệ thống pháp luật

Chương 6 Luật Thanh tra 2025

Chương VI

THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 52. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra

1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải có văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để chỉ đạo việc thực hiện nội dung kết luận thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này.

Văn bản kiến nghị phải được gửi đồng thời với kết luận thanh tra, trong đó đề xuất cách thức, biện pháp tổ chức thực hiện đối với các kiến nghị trong kết luận thanh tra thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Điều 53. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra như sau:

a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Đối với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước khác ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra những nội dung thuộc thẩm quyền của mình.

2. Văn bản chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra có các nội dung sau đây:

a) Xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế;

b) Xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra xem xét, xử lý khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Điều 54. Trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Đối tượng thanh tra phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn. Kế hoạch nêu rõ các biện pháp khắc phục sai phạm về kinh tế, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân  có hành vi vi phạm pháp luật nêu trong kết luận thanh tra; tiến độ thực hiện và việc báo cáo kết quả thực hiện đến cơ quan ban hành kết luận thanh tra. Đối với những nội dung trong kết luận thanh tra mà chưa thực hiện được ngay, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công khai kết luận thanh tra, đối tượng thanh tra phải báo cáo người có thẩm quyền, trong đó nêu rõ tiến độ và giải thích lý do.

Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo cơ quan ban hành kết luận thanh tra để tổng hợp, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra xem xét, xử lý theo quy định.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công khai kết luận thanh tra, căn cứ nội dung trong kết luận thanh tra, văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thuộc phạm vi trách nhiệm của mình;

b) Kịp thời chỉ đạo đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

c) Áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để giải quyết khó khăn, vướng mắc của đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

d) Kiểm tra việc xây dựng phương án thực hiện kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra.

3. Đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với cấp có thẩm quyền và Thủ trưởng cơ quan thanh tra.

Điều 55. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý kịp thời vấn đề phát sinh.

Cơ quan thanh tra có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

2. Người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra mà không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật Thanh tra 2025

  • Số hiệu: 84/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 25/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH