Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Luật Thanh tra 2025

Mục 1. THANH TRA CHÍNH PHỦ

Điều 9. Vị trí, chức năng của Thanh tra Chính phủ

1. Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Chính phủ có Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, thanh tra viên và công chức, viên chức.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng chính sách, pháp luật về thanh tra;

b) Xây dựng Định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra;

d) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ không có Thanh tra Bộ;

đ) Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ không có Thanh tra Bộ;

e) Thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

g) Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp;

h) Thanh tra đối với vụ việc thuộc thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

i) Thanh tra khi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị;

k) Thanh tra vụ việc khác khi được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền giao;

l) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra khi cần thiết;

m) Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

n) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ;

o) Phối hợp với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; hướng dẫn các cơ quan thanh tra trong việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước;

p) Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, cấp chứng chỉ nghiệp vụ thanh tra;

q) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ

1. Tổng Thanh tra Chính phủ là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng Thanh tra Chính phủ.

2. Trong lĩnh vực thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền;

c) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra; ban hành kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ và tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện;

d) Quyết định việc thanh tra đối với vụ việc thuộc thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

đ) Quyết định việc thanh tra theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;

e) Đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cử người có chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ khi cần thiết;

g) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ có Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc thanh tra đối với vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

h) Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu,  Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

i) Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra;

k) Xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra mà Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không đồng ý với Thủ trưởng cơ quan thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không đồng ý thì Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

l) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra;

m) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nội dung trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra;

n) Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra, trừ trường hợp đã kiến nghị theo quy định tại điểm l và điểm m khoản này;

o) Đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm trong ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do Thanh tra Chính phủ phát hiện qua thanh tra;

p) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Luật Thanh tra 2025

  • Số hiệu: 84/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 25/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH