Hệ thống pháp luật

Điều 10 Luật Thanh tra 2025

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng chính sách, pháp luật về thanh tra;

b) Xây dựng Định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra;

d) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ không có Thanh tra Bộ;

đ) Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ không có Thanh tra Bộ;

e) Thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

g) Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp;

h) Thanh tra đối với vụ việc thuộc thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

i) Thanh tra khi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị;

k) Thanh tra vụ việc khác khi được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền giao;

l) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra khi cần thiết;

m) Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

n) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ;

o) Phối hợp với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; hướng dẫn các cơ quan thanh tra trong việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước;

p) Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, cấp chứng chỉ nghiệp vụ thanh tra;

q) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Luật Thanh tra 2025

  • Số hiệu: 84/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 25/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH