Hệ thống pháp luật

Chương 7 Luật Nhà giáo 2025

Chương VII

TÔN VINH, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO

Điều 32. Ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điều 33. Phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

Điều 34. Khen thưởng đối với nhà giáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo

1. Việc khen thưởng đối với nhà giáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

2. Ngoài hình thức thi đua, khen thưởng theo quy định tại khoản 1 Điều này, địa phương, cơ sở giáo dục có các hình thức tôn vinh, khen thưởng nhà giáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục.

Điều 35. Xử lý kỷ luật đối với nhà giáo

1. Việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo là viên chức trong cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật đối với viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ sở giáo dục công lập, cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo không được làm ảnh hưởng đến hoạt động học tập của người học. Quá trình xem xét, xử lý kỷ luật nhà giáo phải bảo đảm tính nhân văn, bảo vệ hình ảnh, uy tín của nhà giáo.

Điều 36. Tạm đình chỉ giảng dạy

1. Trong thời hạn xem xét, xử lý kỷ luật, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định tạm đình chỉ giảng dạy đối với nhà giáo nếu việc nhà giáo tiếp tục giảng dạy có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật hoặc ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo và tâm lý người học; trường hợp người đứng đầu cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục ra quyết định tạm đình chỉ giảng dạy.

2. Đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, thời gian tạm đình chỉ giảng dạy và tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ giảng dạy thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập, thời gian tạm đình chỉ giảng dạy và tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ giảng dạy thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 37. Xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhà giáo

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhà giáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhà giáo diễn ra trong phạm vi cơ sở giáo dục hoặc trong khi nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp thì phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Luật Nhà giáo 2025

  • Số hiệu: 73/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 16/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2026
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH