Hệ thống pháp luật

Chương 6 Luật Nhà giáo 2025

Chương VI

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO

Điều 28. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên phù hợp với môn học, cấp học giảng dạy hoặc có bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học, cấp học giảng dạy và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông;

c) Có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ sau đại học, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

2. Chính phủ quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với nhà giáo dạy môn học đặc thù, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trong lĩnh vực sức khỏe, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Chính phủ quy định về lộ trình thực hiện trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Việc sử dụng nhà giáo chưa đáp ứng trình độ chuẩn quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này trong thời gian thực hiện lộ trình được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 29. Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo

1. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo bao gồm:

a) Đào tạo đáp ứng trình độ chuẩn; đào tạo nâng cao trình độ;

b) Bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp;

c) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn, chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý;

d) Bồi dưỡng thường xuyên.

2. Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 30. Trách nhiệm và quyền của nhà giáo khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng

1. Trách nhiệm của nhà giáo khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:

a) Tham gia đầy đủ và hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng;

b) Chấp hành nội quy, quy chế của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;

c) Có ý thức tự học, học tập suốt đời, phát triển nghề nghiệp liên tục;

d) Tham gia ý kiến về nội dung chương trình và công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng;

đ) Vận dụng kết quả đào tạo, bồi dưỡng vào hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

2. Quyền của nhà giáo khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:

a) Được tạo điều kiện về thời gian để tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này được tính vào thời gian công tác liên tục của nhà giáo;

b) Được hỗ trợ kinh phí khi được cử tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

Điều 31. Mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế đối với nhà giáo

1. Hợp tác quốc tế đối với nhà giáo nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; khẳng định vị thế của nhà giáo là công dân Việt Nam trong hoạt động giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong khu vực và trên thế giới.

2. Hợp tác quốc tế đối với nhà giáo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Nội dung hợp tác quốc tế đối với nhà giáo bao gồm:

a) Nhà giáo là công dân Việt Nam tham gia học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật, hoạt động hợp tác quốc tế khác với cơ sở giáo dục, tổ chức của nước ngoài;

b) Nhà giáo là người nước ngoài tham gia học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật và hoạt động hợp tác quốc tế khác với cơ sở giáo dục, tổ chức của Việt Nam.

4. Hình thức hợp tác quốc tế đối với nhà giáo bao gồm:

a) Trao đổi nhà giáo trong khuôn khổ điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về giáo dục;

b) Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo tại nước ngoài từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ nước ngoài thông qua Chính phủ Việt Nam hoặc thông qua hợp tác giữa cơ sở giáo dục trong nước với cơ sở giáo dục nước ngoài theo quy định của pháp luật;

c) Nhận nhà giáo giảng dạy, làm việc trong cơ sở giáo dục được thành lập theo chương trình, dự án đầu tư được ký kết giữa Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài;

d) Tham gia tổ chức giáo dục, hội nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới;

đ) Tham dự diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hoạt động giáo dục trong khu vực và trên thế giới;

e) Nhà giáo là công dân Việt Nam ra nước ngoài và nhà giáo là người nước ngoài đến Việt Nam để học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật theo nhu cầu cá nhân dưới hình thức tự túc hoặc theo hợp đồng.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật Nhà giáo 2025

  • Số hiệu: 73/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 16/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2026
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH