Hệ thống pháp luật

Điều 49 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025

Điều 49. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch

1. Xây dựng, ban hành nghị quyết liên tịch:

a) Dự thảo nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và dự thảo nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cơ quan chủ trì soạn thảo; dự thảo nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo;

b) Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức soạn thảo;

c) Trong quá trình soạn thảo nghị quyết liên tịch, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

d) Dự thảo nghị quyết do Chính phủ liên tịch ban hành phải được Bộ Tư pháp thẩm định. Việc thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật này;

đ) Dự thảo nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên tịch ban hành phải được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra. Việc thẩm tra thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật này;

e) Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến góp ý để chỉnh lý dự thảo;

g) Dự thảo được thông qua khi có sự thống nhất ý kiến của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành nghị quyết liên tịch;

h) Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng ký ban hành nghị quyết liên tịch.

2. Xây dựng, ban hành thông tư liên tịch:

a) Dự thảo thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo;

b) Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức soạn thảo;

c) Dự thảo được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là 20 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến, trừ trường hợp điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác; trường hợp thông tư liên tịch được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì việc đăng tải thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 51 của Luật này.

Dự thảo thông tư liên tịch có sự tham gia của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải được lấy ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; dự thảo thông tư liên tịch có sự tham gia của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải được lấy ý kiến các thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

d) Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến góp ý để chỉnh lý dự thảo;

đ) Dự thảo được thông qua khi có sự thống nhất ý kiến của người có thẩm quyền ban hành thông tư liên tịch;

e) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cùng ký ban hành thông tư liên tịch.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025

  • Số hiệu: 64/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 19/02/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 603 đến số 604
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH