Hệ thống pháp luật

Điều 34 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025

Điều 34. Thẩm định dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình

1. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thẩm định dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trước khi trình Chính phủ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Việc thẩm định được thực hiện trên cơ sở hồ sơ dự án gửi thẩm định.

Đối với dự án do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo hoặc trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập hội đồng thẩm định.

2. Hồ sơ dự án gửi thẩm định bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định;

b) Dự thảo tờ trình;

c) Dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết;

d) Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự thảo;

đ) Báo cáo rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế có liên quan đến dự thảo;

e) Bản đánh giá thủ tục hành chính, việc phân quyền, phân cấp, bảo đảm bình đẳng giới, chính sách dân tộc (nếu có);

g) Bản thuyết minh quy phạm hóa chính sách trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này;

h) Bản so sánh dự thảo sửa đổi, bổ sung, thay thế với luật, pháp lệnh, nghị quyết hiện hành;

i) Bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, phản biện xã hội;

k) Tài liệu khác (nếu có).

3. Lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm thuyết trình và giải trình các vấn đề liên quan đến dự án tại cuộc họp thẩm định.

4. Nội dung thẩm định dự án bao gồm:

a) Sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết;

b) Sự phù hợp của nội dung dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật;

c) Sự phù hợp của nội dung dự thảo với chính sách đã được thông qua (nếu có);

d) Tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; nguồn tài chính; nguồn nhân lực;

đ) Sự cần thiết, tính hợp lý của thủ tục hành chính; việc phân quyền, phân cấp; việc bảo đảm bình đẳng giới, chính sách dân tộc (nếu có);

e) Ngôn ngữ, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản và trình tự, thủ tục soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

5. Báo cáo thẩm định phải nêu rõ dự án đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chính phủ; báo cáo thẩm định được gửi đến Chính phủ, đồng thời gửi cơ quan chủ trì soạn thảo.

Trường hợp đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định, xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, giải trình để trình Chính phủ.

Trường hợp chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự án để thẩm định lại.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025

  • Số hiệu: 64/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 19/02/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 603 đến số 604
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH