Hệ thống pháp luật

Chương 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025

Chương VIII

TRÁCH NHIỆM VÀ NGUỒN LỰC TRONG XÂY DỰNG, BAN HÀNH VÀ TỔ CHỨC THI HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Điều 67. Trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng

Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Đảng.

Điều 68. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đại biểu Quốc hội trình.

2. Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra, cơ quan được tham vấn chính sách có quyền thuê chuyên gia, tổ chức điều tra, khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm, đánh giá tác động của chính sách để hỗ trợ, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, tham vấn, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra.

3. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về tiến độ trình và chất lượng dự án, dự thảo văn bản do mình trình.

4. Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trước cơ quan trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiến độ, chất lượng lập đề xuất chính sách, soạn thảo; truyền thông chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, tham vấn, phản biện xã hội, thẩm định, thẩm tra.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được đề nghị tham vấn chính sách, tham gia góp ý về chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về nội dung tham vấn chính sách, tham gia góp ý và thời hạn tham gia góp ý.

6. Cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kết quả thẩm định, thẩm tra.

7. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành.

8. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng văn bản được giao.

9. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật.

10. Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp:

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật;

b) Khi để xảy ra tình trạng trình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền chậm tiến độ, trái pháp luật; để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ;

c) Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó của mình trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật;

d) Kết quả thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức do mình đứng đầu; kết quả thực hiện là căn cứ để đánh giá, xét thi đua khen thưởng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

11. Cơ quan, tổ chức, người đứng đầu và công chức để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật tại cơ quan, tổ chức, phạm vi công việc mình được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý trách nhiệm hoặc được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.

12. Ngoài trách nhiệm quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 của Điều này, cơ quan, tổ chức, người đứng đầu và công chức còn phải chịu trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định khác có liên quan.

Điều 69. Nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật

1. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng cán bộ, công chức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác xây dựng pháp luật.

2. Nhà nước bảo đảm ngân sách cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; thuê chuyên gia tư vấn, nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách.

Điều 70. Cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật

1. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị làm việc, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác nghiên cứu chính sách, xây dựng, ban hành, văn bản quy phạm pháp luật.

2. Nhà nước có cơ chế đặc thù về phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí dành cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từng bước thực hiện soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hiệu quả toàn bộ hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo cơ chế đặc thù do Quốc hội quy định.

4. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền phải bảo đảm cơ sở vật chất, bố trí kinh phí để tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

5. Ngoài kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

6. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí cho cơ quan nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025

  • Số hiệu: 64/2025/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 19/02/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 603 đến số 604
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH