Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 58/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI

Điều 22.  Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi

1. Điều kiện dự án điện gió ngoài khơi được hưởng cơ chế, chính sách quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Điện lực như sau:

a) Dự án được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2031.

b) Dự án đầu tư được quy định tại khoản 6 Điều 20 Luật Điện lực.

2. Dự án quy định tại khoản 1 Điều này là dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi sau:

a) Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng. Giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 12 năm kể từ khi đưa vào vận hành.

b) Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng. Sau thời gian xây dựng việc miễn, giảm được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và đất đai.

c) Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 80% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia.

3. Ngoài các cơ chế ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều này, Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng và người có liên quan cho dự án điện gió ngoài khơi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Điều 23.  Lựa chọn đơn vị khảo sát dự án điện gió ngoài khơi

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Bộ Công Thương xác định danh mục các khu vực biển ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ quy hoạch để lựa chọn đơn vị thực hiện khảo sát.

2. Việc lựa chọn đơn vị khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Điện lực phải đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Đã thực hiện ít nhất 01 nhiệm vụ khảo sát dự án điện gió ngoài khơi hoặc đã phát triển, vận hành ít nhất 01 dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hoặc trên thế giới;

b) Có năng lực tài chính, nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm, trang thiết bị để đo gió, điều tra, khảo sát các yếu tố về địa chất, hải văn, môi trường phục vụ phát triển dự án điện gió ngoài khơi;

c) Có kế hoạch triển khai hoạt động đo gió, điều tra, khảo sát các yếu tố về địa chất, hải văn, môi trường phục vụ phát triển dự án điện gió rõ ràng, phù hợp, khả thi;

d) Chứng minh được chuyên môn, kinh nghiệm của đơn vị về dự án, hoạt động dự kiến thực hiện sau khi hoàn thành hoạt động khảo sát;

đ) Có năng lực tài chính, nhân lực để phát triển và cam kết phát triển dự án điện gió ngoài khơi sau khi hoàn thành hoạt động khảo sát nếu được lựa chọn.

e) Chứng minh được hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, tính khả thi của dự án phát triển điện gió nếu được lựa chọn triển khai;

3. Trong trường hợp các đơn vị liên danh thì tiêu chí năng lực, kinh nghiệm quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh, nhưng phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh.

4. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị khảo sát theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 24.  Hình thức, quy trình lựa chọn đơn vị khảo sát dự án điện gió ngoài khơi

 1. Việc lựa chọn đơn vị khảo sát dự án điện gió ngoài khơi thực hiện theo một trong các hình thức sau:

a) Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện khảo sát đối với các dự án điện gió ngoài khơi quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

 b) Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định giao đơn vị thực hiện khảo sát trong trường hợp chỉ có 01 (một) đơn vị đề xuất thực hiện khảo sát tại 01 (một) khu vực biển trong danh mục ưu tiên phát triển;

 c) Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập hội đồng đánh giá, xét duyệt hồ sơ đề xuất của từng đơn vị trong trường hợp có từ 02 (hai) đơn vị trở lên đề xuất thực hiện khảo sát tại 01 (một) khu vực biển trong danh mục ưu tiên phát triển.

 2. Thời điểm nhận hồ sơ đề xuất tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này sau khi công bố danh mục vị trí khu vực biển ưu tiên khảo sát.

3. Hội đồng đánh giá tại điểm c khoản 1 Điều này được quy định như sau:

 a) Thành phần hội đồng gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thư ký, thành viên Hội đồng là đại diện các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường.

 b) Hội đồng có nhiệm vụ đánh giá hồ sơ đề xuất của đơn vị theo tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này bằng hình thức cho điểm. Hồ sơ đề xuất của đơn vị có tổng số điểm cao hơn được lựa chọn.

Điều 25.  Quyết định giao đơn vị thực hiện khảo sát dự án điện gió ngoài khơi

1. Căn cứ kết quả lựa chọn đơn vị khảo sát, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định giao đơn vị thực hiện khảo sát. Quyết định này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển cho đơn vị thực hiện khảo sát theo quy định pháp luật về biển, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Trong thời hạn 03 (ba) tháng kể từ ngày nhận quyết định giao thực hiện khảo sát, đơn vị được giao khảo sát phải nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển tới cơ quan có thẩm quyền.

Điều 26.  Nội dung khảo sát dự án điện gió ngoài khơi

1. Nội dung khảo sát dự án điện gió ngoài khơi, gồm:

a) Khảo sát năng lượng gió, gồm: Hướng gió, độ cao đo tốc độ gió, tốc độ gió, tần suất xuất hiện tốc độ gió, mật độ năng lượng gió;

b) Khảo sát địa hình, địa chất đáy biển, gồm: Đặc điểm địa hình đáy biển, đường đẳng độ sâu, lớp trầm tích đáy biển; khoan lấy mẫu, phân tích địa chất đáy biển, đánh giá điều kiện nền đáy biển phục vụ cho việc xây dựng móng tua bin gió;

c) Khảo sát hải dương học, gồm: Đặc điểm khí hậu, thời tiết biển, độ cao song biển, tần suất xuất hiện bão, rủi ro sóng thần;

d) Khảo sát hệ sinh thái biển, gồm: Xác định các loài động, thực vật dưới biển, trên mặt biển đại diện cho khu vực biển khảo sát, đặc điểm di cư của các loài động vật;

đ) Khảo sát mật độ giao thông hàng hải tại khu vực biển;

e) Khảo sát ảnh hưởng tới các tuyến cáp ngầm, các lô dầu khí (nếu có);

g) Khảo sát các điều kiện khác có khả năng tác động tới dự án.

2. Lập hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát chi tiết, gồm:

a) Thông tin về khu vực biển khảo sát; số lượng mẫu, vị trí, tần suất, thời gian khảo sát; phương pháp, thiết bị, phương tiện khảo sát;

b) Kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Tài liệu, thông tin, mẫu vật và dữ liệu dạng nguyên thủy được thu thập tại thực địa.

2. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động khảo sát, đơn vị khảo sát nộp 01 bộ hồ sơ bản giấy và 01 bộ hồ sơ điện tử (không bao gồm các tài liệu mật theo quy định, nếu có) báo cáo kết quả khảo sát chi tiết về Bộ Công Thương để quản lý, theo dõi. Đơn vị khảo sát được sử dụng kết quả khảo sát để phát triển dự án do mình làm chủ đầu tư.

3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ khảo sát theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Luật Điện lực có trách nhiệm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá khảo sát trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.

Điều 27.  Điều kiện nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió ngoài khơi

1. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, tham gia thực hiện đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, được lựa chọn hình thức đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Đã triển khai ít nhất 01 dự án điện gió ngoài khơi có quy mô tương đương tại Việt Nam hoặc trên thế giới;

b) Có năng lực tài chính, phương án huy động vốn hoặc cam kết cho vay, có nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm để triển khai dự án. Có giá trị tổng tài sản ròng trong 03 năm gần nhất đã được kiểm toán lớn hơn tổng mức đầu tư dự kiến của dự án.

c) Có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước. Tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế tối đa 65%;

d) Có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

3. Nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án điện gió ngoài khơi phải có năng lực tài chính, phương án huy động vốn hoặc cam kết cho vay, có nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm để triển khai dự án.

Điều 28.  Lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi

 1. Trừ các dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi bán điện lên hệ thống điện quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, điện lực và quy định sau:

a) Mức trần giá điện trong hồ sơ mời thầu không cao hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành;

b) Giá điện trúng thầu lựa chọn nhà đầu tư là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu.

3. Hồ sơ mời thầu để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được lập theo quy định của pháp luật và các tài liệu, nội dung sau đây:

a) Dự thảo hợp đồng mua bán điện đã được cơ quan tổ chức đấu thầu và bên mua điện thống nhất;

b) Cơ chế, chính sách ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này.

4. Đối với các dự án điện gió ngoài khơi sản xuất điện để xuất khẩu không thông qua hệ thống điện quốc gia, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu và quy định sau:

a) Dự án do nhà đầu tư trong nước thực hiện. Trường hợp có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, phải bảo đảm tổng tỷ lệ cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế của nhà đầu tư trong nước trên 50%;

b) Giá xuất khẩu điện không thấp hơn mức giá cao nhất của khung giá phát điện trong nước tương ứng với loại hình phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành;

c) Mức đóng góp ngân sách nhà nước cao nhất.

Điều 29.  Quản lý dự án, công trình điện gió ngoài khơi

1. Quản lý dự án, công trình điện gió ngoài khơi nhằm bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả theo nội dung, thiết kế được phê duyệt, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham gia, phối hợp trong công tác quản lý dự án, công trình điện gió ngoài khơi gồm:

a) Cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương về điện lực, dầu khí; biển, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, thủy sản; xây dựng, hàng hải; quốc phòng, an ninh, ngoại giao;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển, có công trình trên đất liền thuộc dự án điện gió ngoài khơi;

c) Tập đoàn điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

d) Đơn vị điện lực tại địa phương có dự án điện gió ngoài khơi thực hiện đấu nối hệ thống điện quốc gia;

đ) Cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

3. Quản lý dự án, công trình điện gió ngoài khơi tuân thủ các nguyên tắc sau:

a) Bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia;

b) Bảo đảm an ninh cung cấp điện đối với các dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia;

c) Bảo đảm dự án, công trình vận hành ổn định, liên tục;

c) Bảo đảm an toàn hàng hải, an toàn công trình trên biển;

d) Bảo đảm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu dự án, công trình điện gió ngoài khơi.

4. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bên liên quan xử lý các vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực quản lý trong quá trình xây dựng, vận hành dự án, công trình điện gió ngoài khơi. Trong quá trình xử lý, nếu phát sinh các nội dung vượt thẩm quyền, cơ quan, tổ chức chủ trì có trách nhiệm lấy ý kiến của các bên liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định.

Điều 30.  Chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi

1. Việc chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Điện lực và được cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển đồng ý bằng văn bản.

2. Việc chuyển nhượng, mua bán cổ phần, phần vốn góp và chuyển nhượng một phần dự án, toàn bộ dự án phải tuân thủ quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Biển Việt Nam và pháp luật có liên quan.

3. Đối với hoạt động chuyển nhượng quy định tại khoản 1 Điều này có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức liên quan. Trong trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chuyển nhượng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nghị định 58/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

  • Số hiệu: 58/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/03/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH