Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 58/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MỚI

Điều 4. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ dự án nguồn điện mặt trời và điện gió có hệ thống lưu trữ điện

Dự án nguồn điện mặt trời và điện gió có hệ thống lưu trữ điện và có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được hưởng cơ chế ưu đãi sau:

1. Ưu tiên huy động nguồn điện theo quy định hiện hành về hệ thống điện và thị trường điện.

2. Hệ thống lưu trữ điện của dự án điện từ nguồn điện mặt trời và điện gió là hàng hóa, sản phẩm được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật.

3. Cơ chế ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 5. Chính sách ưu tiên, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển phù hợp công nghệ điện gió, điện mặt trời

1. Việc nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam được khuyến khích và hỗ trợ phát triển theo quy định tại Điều 8 Luật Điện lực và quy định pháp luật có liên quan.

2. Nhà nước ưu tiên thực hiện các chương trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất tấm quang năng, tua bin điện gió, thiết bị chuyển đổi nguồn điện.

3. Chính sách ưu tiên, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 6. Điều kiện và thời hạn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện năng lượng mới

1. Dự án điện năng lượng mới được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Điện lực đáp ứng các điều kiện sau:

a) Dự án điện năng lượng được sản xuất từ 100% hydrogen xanh hoặc 100% amoniac xanh hoặc 100% hỗn hợp của hai nguồn này.

b) Dự án cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

c) Dự án đầu tiên cho từng loại hình điện năng lượng mới.

2. Dự án quy định tại khoản 1 Điều này là dự án năng lượng sạch thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi theo pháp luật về đầu tư, được hưởng các cơ chế ưu đãi sau:

a) Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng. Giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 09 năm kể từ khi đưa vào vận hành.

b) Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng. Sau thời gian xây dựng việc miễn, giảm được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và đất đai.

c) Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 80% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia.

Điều 7. Cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc thông số nguồn năng lượng sơ cấp và thống kê sản lượng điện của nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

1. Trừ nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, chủ sở hữu các nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới có trách nhiệm thực hiện quan trắc thông số nguồn năng lượng sơ cấp và thống kê sản lượng điện tại nhà máy như sau:

a) Đối với các nhà máy điện mặt trời, quan trắc các thông số: Tổng số giờ có nắng trong tháng (đơn vị tính là: giờ), mật độ năng lượng bức xạ mặt trời trung bình (đơn vị tính là: W/m2), tổng năng lượng bức xạ mặt trời (đơn vị tính là: kWh/m2);

b) Đối với các nhà máy điện gió, quan trắc các thông số: Hướng gió chủ đạo trong tháng, độ cao đo gió tính từ mặt đất (đơn vị tính là: m), tốc độ gió trung bình theo ngày (đơn vị tính là: m/s); mật độ năng lượng gió (đơn vị tính là: W/m2).

c) Đối với các nhà máy điện từ sinh khối, điện từ chất thải, thống kê các chỉ tiêu vật lý của sinh khối, chất thải được sử dụng để phát điện, gồm: Khối lượng (đơn vị tính là: kg), độ ẩm (đơn vị tính là: %), nhiệt trị (đơn vị tính là: kJ/kg).

d) Đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới khác, quan trắc, thống kê các thông số năng lượng sơ cấp, nhiên liệu đầu vào để sản xuất điện năng;

đ) Thống kê tổng sản lượng điện của nhà máy (đơn vị tính là: kWh);

2. Kết quả quan trắc các thông số và sản lượng điện theo quy định tại khoản 1 Điều này được thống kê theo từng tháng và đủ 12 tháng trong năm.

3. Chủ sở hữu các nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới có trách nhiệm báo cáo số liệu quy định tại khoản 1 Điều này của năm trước liền kề về Sở Công Thương trước ngày 15 tháng 01 hàng năm. Sở Công Thương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 15 tháng 02 hàng năm.

4. Đối với các nhà máy của dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ, Chủ sở hữu có trách nhiệm báo cáo số liệu quy định tại khoản 1 Điều này của năm trước liền kề Bộ Công Thương trước ngày 15 tháng 02 hàng năm.

5. Cơ quan tiếp nhận báo cáo quy định tại khoản 3 Điều này có trách nhiệm lưu giữ, tổng hợp phục vụ cho mục đích điều tra cơ bản quy định tại Điều 20 Luật Điện lực, đánh giá tiềm năng, quy hoạch phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới và mục đích khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Tháo dỡ nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió

Kể từ thời điểm chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật điện lực, chủ sở hữu chịu trách nhiệm hoàn thành tháo dỡ trong thời hạn sau đây:

1. Đối với dự án nhóm A được phân loại theo quy định của pháp luật về đầu tư công, thời hạn tháo dỡ tối đa là 03 năm.

2. Đối với các dự án còn lại, thời hạn tháo dỡ tối đa là 02 năm.

Điều 9. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

1. Dự án đầu tư điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật Đầu tư gồm:

a) Dự án điện gió ngoài khơi theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 20 Luật Điện lực sản xuất điện phục vụ cho một trong các mục đích sau: Cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; sản xuất hydrogen xanh; sản xuất amoniac xanh; nhu cầu khác trong nước; xuất khẩu điện;

b) Dự án quy định tại điểm a khoản này có sử dụng đất hoặc khu vực biển trong vùng biển 06 hải lý thuộc địa giới hành chính của 01 hoặc nhiều tỉnh;

c) Dự án điện gió trên biển thuộc khu vực biển liên vùng trong vùng biển 06 hải lý.

2. Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Điện lực đối với các trường hợp sau:

a) Dự án điện gió ngoài khơi không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh theo ý kiến của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an;

b) Dự án điện gió ngoài khơi cần phát triển để bảo đảm an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia theo đề xuất của Bộ Công Thương.

c) Dự án điện gió ngoài khơi do doanh nghiệp đề xuất theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Điện lực. Trường hợp liên doanh, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài thì phải bảo đảm tỷ lệ cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đề xuất dự án trong tổ chức kinh tế trên 50%.

Nghị định 58/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

  • Số hiệu: 58/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/03/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH