Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 113/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lưu trữ

Chương V

LƯU TRỮ DỰ PHÒNG

Điều 26. Nguyên tắc lưu trữ dự phòng

1. Lập, bảo quản theo phương pháp, tiêu chuẩn đặc biệt bảo đảm tính toàn vẹn, độ tin cậy, độ chính xác của thông tin tài liệu lưu trữ dự phòng so với tài liệu lưu trữ gốc thông qua các yếu tố xác thực và lịch sử bảo quản tài liệu trong suốt quá trình lưu trữ.

2. Bảo đảm khả năng sử dụng tài liệu lưu trữ dự phòng trong trường hợp tài liệu lưu trữ gốc bị mất hoặc không sử dụng được.

3. Bảo đảm hạn chế nguy cơ mất thông tin tài liệu lưu trữ gốc do thiên tai, thảm họa và nguy cơ phụ thuộc công nghệ trong quá trình tạo lập, bảo quản và sử dụng.

4. Bảo đảm khả năng cập nhật công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu hướng của lưu trữ thế giới.

5. Tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt được Nhà nước lập bản dự phòng để phòng ngừa rủi ro cho tài liệu lưu trữ gốc và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ thực hiện lưu trữ dự phòng.

6. Cơ quan có thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ có trách nhiệm lập và quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 27. Tài liệu lưu trữ dự phòng

1. Tài liệu lưu trữ dự phòng được tạo lập bằng phương pháp kỹ thuật, công nghệ đặc biệt, tiên tiến, phù hợp với đặc điểm của từng loại tài liệu lưu trữ gốc và sự phát triển của khoa học công nghệ tại thời điểm tạo lập.

2. Tài liệu lưu trữ dự phòng có giá trị pháp lý như tài liệu lưu trữ gốc khi được xác thực bởi cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng. Thông tin xác thực tối thiểu gồm thông tin về: mã tài liệu lưu trữ gốc; cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng; thời gian tạo lập; công nghệ tạo lập.

3. Vật mang tin của tài liệu lưu trữ dự phòng cần tối thiểu các yếu tố đảm bảo để sử dụng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có tính chất khác với vật mang tin của tài liệu lưu trữ gốc hoặc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại hơn.

b) Có độ bền vật lý cao, bền vững với môi trường bảo quản.

Điều 28. Lựa chọn tài liệu lưu trữ để lập bản dự phòng

1. Đã được công nhận là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.

2. Tài liệu lưu trữ vĩnh viễn có nguy cơ bị hỏng

a) Tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ trên vật mang tin khác có một trong các dấu hiệu sau đây: nhạt màu, đổi màu, rách, thủng lỗ, mủn, giòn, mờ chữ nhưng vẫn còn khả năng đọc được thông tin.

b) Tài liệu lưu trữ điện tử có một trong các dấu hiệu sau đây: công nghệ tạo lập tài liệu lạc hậu, có khả năng bị thay thế; tài liệu có nguy cơ không sử dụng được hoặc không xác thực được.

Điều 29. Công nghệ lưu trữ dự phòng

1. Cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng quyết định lựa chọn công nghệ, thiết bị để thực hiện lưu trữ dự phòng phù hợp với từng loại hình tài liệu lưu trữ gốc và từng giai đoạn cụ thể.

2. Sử dụng đa dạng công nghệ lưu trữ dự phòng đối với các khối tài liệu lưu trữ dự phòng khác nhau để giảm thiểu rủi ro về công nghệ.

3. Cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng chủ động nghiên cứu, cập nhật công nghệ lưu trữ dự phòng phù hợp với xu hướng của lưu trữ thế giới.

Điều 30. Tạo lập tài liệu lưu trữ dự phòng

1. Đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt

a) Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt do cơ quan Nhà nước quản lý được tạo lập tại thời điểm được cơ quan có thẩm quyền công nhận là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.

b) Tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt do chủ sở hữu tài liệu tư quyết định.

c) Cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng thực hiện việc tạo lập tài liệu dự phòng theo công nghệ và thiết bị đã được lựa chọn.

2. Đối với tài liệu lưu trữ vĩnh viễn

a) Cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ có trách nhiệm thống kê tài liệu lưu trữ phải lập bản dự phòng theo quy định, gửi cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng hằng năm.

b) Cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng xây dựng, trình cấp có thẩm quyền kế hoạch bảo đảm nguồn lực thực hiện lưu trữ dự phòng dài hạn, hằng năm trên cơ sở thực trạng tài liệu cần lưu trữ dự phòng và yêu cầu tạo lập bản dự phòng của các cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ gốc.

c) Cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng thực hiện việc tạo lập tài liệu dự phòng theo công nghệ và thiết bị đã được lựa chọn.

3. Tài liệu lưu trữ dự phòng được tạo lập cơ sở dữ liệu đồng bộ với cơ sở dữ liệu của tài liệu lưu trữ gốc.

Điều 31. Bảo quản tài liệu lưu trữ dự phòng

1. Tài liệu lưu trữ dự phòng phải được bảo quản riêng biệt tại địa điểm khác, xa địa điểm bảo quản tài liệu lưu trữ gốc, bảo đảm phòng tránh rủi ro khi xảy ra thiên tai, thảm họa, hạn chế tối đa nguy cơ mất, hỏng.

2. Tài liệu lưu trữ dự phòng được bảo quản trong Kho lưu trữ chuyên dụng có trang thiết bị phù hợp, đáp ứng nguyên tắc lưu trữ dự phòng.

3. Tài liệu lưu trữ dự phòng được bảo quản bằng các thiết bị phù hợp với đặc thù của vật mang tin và thông tin của từng loại hình tài liệu lưu trữ dự phòng.

4. Tài liệu lưu trữ dự phòng được kiểm tra định kỳ, chuyển đổi hoặc tạo lập lại đáp ứng yêu cầu lưu trữ lâu dài và sự thay đổi công nghệ. Cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ dự phòng được kiểm tra, sao lưu theo quy định.

Điều 32. Sử dụng tài liệu lưu trữ dự phòng

1. Tài liệu lưu trữ dự phòng được sử dụng trong trường hợp mất tài liệu lưu trữ gốc hoặc tài liệu lưu trữ gốc bị hỏng đến mức không sử dụng được.

2. Cơ quan, tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ gốc gửi văn bản đề nghị sử dụng tài liệu lưu trữ dự phòng đến cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Cá nhân sở hữu tài liệu lưu trữ gốc gửi đơn đề nghị sử dụng tài liệu lưu trữ dự phòng đến cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi văn bản/đơn đề nghị sử dụng tài liệu lưu trữ dự phòng đến cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng bằng hình thức trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều này có thể lựa chọn hình thức nhận bản sao tài liệu lưu trữ dự phòng thông qua đăng ký trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc lựa chọn hình thức nhận kết quả trên văn bản/đơn đề nghị. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan cung cấp dịch vụ bưu chính.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản/đơn đề nghị sử dụng tài liệu lưu trữ dự phòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng phải cung cấp bản sao tài liệu lưu trữ dự phòng theo quy trình nghiệp vụ của cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng.

Trường hợp từ chối cung cấp, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản/đơn đề nghị, cơ quan quản lý tài liệu lưu trữ dự phòng có văn bản thông báo nêu rõ lý do; gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân để biết.

Nghị định 113/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lưu trữ

  • Số hiệu: 113/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH