Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2025/TT-VKSTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2025

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THẨM QUYỀN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT TRONG GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC, VỤ ÁN HÌNH SỰ

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 02/2021/QH15, Luật số 34/2024/QH15, Luật số 59/2024/QH15 và Luật số 99/2025/QH15;

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 82/2025/QH15;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về thẩm quyền của mỗi cấp Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và đặc xá.

2. Thẩm quyền của Viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).

3. Viện kiểm sát nhân dân khu vực.

4. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan, đơn vị quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc xác định thẩm quyền

1. Bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp; phù hợp với các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đáp ứng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cấp Viện kiểm sát nhân dân.

3. Bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của mỗi cấp Viện kiểm sát nhân dân, không bỏ sót, không chồng chéo, trùng lặp thẩm quyền.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ 

Mục 1. THẨM QUYỀN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Điều 4. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố

1. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố đối với vụ việc, vụ án hình sự do Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý, giải quyết.

Chậm nhất 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định phân công cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển đến, Viện kiểm sát được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo quy định.

2. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra đối với vụ việc, vụ án hình sự do các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền ở cấp trung ương thụ lý, giải quyết hoặc đối với các vụ việc, vụ án khác khi xét thấy cần thiết.

Điều 5. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự

1. Vụ Công tố và Kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 7) tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện thẩm quyền sau:

a) Giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực khi xét thấy cần thiết;

b) Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực thì phân công Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

2. Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Viện Phúc thẩm) tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện thẩm quyền sau:

a) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, Quyết định số thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ;

b) Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao;

c) Phát hiện vi phạm pháp luật và thông báo cho Vụ 7 để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Điều 6. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, đặc xá, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc ân giảm đối với người bị kết án tử hình

1. Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, cơ quan có nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp:

a) Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an;

b) Kiểm sát việc thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh của Bộ Y tế; thi hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên;

c) Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, cơ sở lưu trú khi xét thấy cần thiết.

2. Kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá:

a) Trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an;

b) Trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc thẩm quyền kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Đặc xá khi xét thấy cần thiết.

3. Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, về quản lý giáo dục phạm nhân; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự của cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong công tác đặc xá.

4. Trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc ân giảm đối với người bị kết án tử hình.

Mục 2. THẨM QUYỀN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Điều 7. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố

1. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố đối với vụ việc, vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thụ lý, giải quyết.

Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra nhưng thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân khu vực thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phân công cho Viện kiểm sát nhân dân khu vực thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử và phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

2. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra đối với vụ việc, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thụ lý, giải quyết và thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Điều 8. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự

1. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

2. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.

3. Giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

Điều 9. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, đặc xá

1. Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự:

a) Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại tạm giam Công an cấp tỉnh; kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại trại giam đóng trên địa bàn; kiểm sát việc thi hành án hình sự tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; kiểm sát việc thi hành hình phạt trục xuất tại cơ sở lưu trú;

b) Khi xét thấy cần thiết, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù tại phân trại thuộc trại tạm giam Công an cấp tỉnh, buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng, buồng tạm giữ của Cảnh sát biển; kiểm sát việc thi hành án hình sự của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã và cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh.

2. Kiểm sát hoạt động thi hành án hình sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

4. Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, về quản lý giáo dục phạm nhân; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong công tác đặc xá thuộc thẩm quyền.

5. Khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện một số hoạt động kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Mục 3. THẨM QUYỀN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN KHU VỰC

Điều 10. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân khu vực trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố

1. Viện kiểm sát nhân dân khu vực có thẩm quyền:

a) Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố đối với vụ việc, vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh thụ lý, giải quyết và thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân khu vực;

b) Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, phân loại, xử lý nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã, Đồn Công an, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự và hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh bố trí tại Công an cấp xã;

c) Phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, Đồn Công an; hướng dẫn việc thực hiện thẩm quyền của điều tra viên trung cấp, điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã;

d) Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố đối với vụ việc, vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng do các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thụ lý, giải quyết và thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực.

2. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án mà phát hiện vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân khu vực khác hoặc thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân khu vực khác trong cùng một tỉnh: Viện kiểm sát nhân dân khu vực đang thụ lý chuyển việc thực hiện thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân khu vực có thẩm quyền nếu vụ việc, vụ án đang trong giai đoạn khởi tố, điều tra; chuyển vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố;

b) Trường hợp vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh: Viện kiểm sát nhân dân khu vực đang thụ lý báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và chuyển việc thực hiện thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nếu vụ việc, vụ án đang trong giai đoạn khởi tố, điều tra; báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và chuyển vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố;

c) Trường hợp vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân khu vực khác ngoài tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh khác thì Viện kiểm sát nhân dân khu vực đang thụ lý có văn bản đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chuyển vụ việc, vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 169 và khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 11. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân khu vực trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự

Viện kiểm sát nhân dân khu vực có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực quy định tại khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 12. Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân khu vực trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, đặc xá

1. Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù tại phân trại thuộc trại tạm giam Công an cấp tỉnh, buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng, buồng tạm giữ của Cảnh sát biển đóng trên địa bàn; kiểm sát việc thi hành án hình sự của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã và cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự có trụ sở đóng trên địa bàn thuộc thẩm quyền.

2. Kiểm sát hoạt động thi hành án hình sự của Tòa án nhân dân khu vực theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm sát hoạt động của Tòa án nhân dân khu vực trong việc thông báo quyết định về đặc xá cho người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá gửi Tổ thẩm định liên ngành.

4. Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, về quản lý giáo dục phạm nhân; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự của Tòa án nhân dân khu vực, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

5. Khi được Viện kiểm sát nhân dân cấp trên phân công thì Viện kiểm sát nhân dân khu vực thực hiện một số hoạt động kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên.

Mục 4. THẨM QUYỀN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

Điều 13. Thẩm quyền trực tiếp giải quyết nguồn tin về tội phạm

Viện kiểm sát nhân dân đang thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm có quyền trực tiếp giải quyết nguồn tin về tội phạm trong các trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 14. Thẩm quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra

Viện kiểm sát nhân dân đang thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với vụ việc, vụ án có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 165 và khoản 3 Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 15. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự

1. Thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện trưởng Viện Phúc thẩm đối với khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định tại Điều 475, Điều 476 Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Viện kiểm sát nhân dân nào đang thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự thì có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng và quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, quyết định, hành vi tố tụng và quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Viện trưởng Viện Phúc thẩm như sau:

a) Các vụ công tố và kiểm sát điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3 và Vụ 4) tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố;

b) Viện Phúc thẩm tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự;

c) Vụ 7 tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện Phúc thẩm; quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Viện trưởng Viện Phúc thẩm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự; quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự.

Điều 16. Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự

1. Thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp đối với tố cáo về hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện Phúc thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh như sau:

a) Các vụ công tố và kiểm sát điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3 và Vụ 4) tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết tố cáo đối với hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố;

b) Viện Phúc thẩm tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết tố cáo đối với hành vi tố tụng của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm; giải quyết tố cáo đối với hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm;

c) Vụ 7 tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết tố cáo đối với hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện Phúc thẩm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự; giải quyết tố cáo đối với hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự.

Điều 17. Thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

1. Thẩm quyền kiểm sát đối với việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như sau:

a) Viện kiểm sát nhân dân nào đang thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra đối với vụ việc, vụ án thì có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án;

b) Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát trực tiếp đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp và cấp dưới. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kiểm sát trực tiếp đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp.

2. Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu vực chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Vụ Pháp chế, Văn phòng, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, các đơn vị, Viện kiểm sát nhân dân các cấp kịp thời báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Pháp chế) để có hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để giám sát);
- Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Công an; 
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Tài chính;
- Các Phó Viện trưởng VKSTC (để thực hiện);
- Viện kiểm sát quân sự trung ương;
- Các đơn vị thuộc VKSTC (để thực hiện);
- VKSND các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử VKSTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, V14.

VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Huy Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2025/TT-VKSTC quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 02/2025/TT-VKSTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2025
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Huy Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản