Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2025

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VỀ TIÊN PHONG TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG

Ngày 15 tháng 4 năm 2025, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh, nghiệp nhà nước về tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Chủ tịch, Tổng Giám đốc của 68 Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

1. Đánh giá cao nội dung Báo cáo của Bộ Tài chính, biểu dương đại diện các doanh nghiệp đã phát biểu ý kiến, đề xuất các giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù, số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm phần không lớn trong tổng số gần một (01) triệu doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta nhưng lại nắm giữ một lực lượng vật chất rất quan trọng của nền kinh tế.

Doanh nghiệp nhà nước có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dựa vào kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo để tăng năng năng suất lao động; vừa phát triển chính doanh nghiệp, vừa góp phần quan trọng trong sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 02 mục tiêu chiến lược 100 năm (phấn đấu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước là nước phát triển, thu nhập cao). Trong quá trình thực hiện hai mục tiêu chiến lược này, phải đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững mới có nguồn lực để ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

2. Chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế số của doanh nghiệp và của đất nước. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước có nguồn lực, điều kiện, nhân sự cần phải tiên phong trong chuyển đổi số, đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước, tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số. Các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện một số giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số như sau:

(1) Hoàn thiện các quy trình, quy định theo chuyển đổi số chung của cả nước và của từng doanh nghiệp.

(2) Số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Xây dựng, ứng dụng, trí tuệ nhân tạo để sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp.

(3) Tập trung phát triển hạ tầng số của doanh nghiệp nhà nước và góp phần vào sự phát triển hạ tầng số của cả nước. Việc phát triển hạ tầng số của từng tập đoàn, tổng công ty phải gắn với phát triển hạ tầng số của đất nước.

(4) Xây dựng sản phẩm, dịch vụ số của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp tiến tới ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp.

(5) Chú trọng an toàn, bền vững trong chuyển đổi số. Ứng dụng chuyển đổi số để phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, đặc biệt là quản lý dữ liệu số, từ đó góp phần vào an ninh, an toàn mạng quốc gia.

(6) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực số, từ đó đóng góp vào xây dựng công dân số của đất nước. Nguồn nhân lực là vốn quý nhất và nhân lực số đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số.

(7) Tập trung chuyển đổi số, tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới góp phần tiết giảm chi phí và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

3. Doanh nghiệp nhà nước phải phấn đấu tăng trưởng hai con số, đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số những năm tới, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, giảm nợ công, giảm nợ nước ngoài, giảm nợ Chính phủ; trong đó, doanh nghiệp nhà nước phải chú ý các động lực tăng trưởng truyền thống về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Các doanh nghiệp nhà nước cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Về xuất khẩu: Cần chủ động đa dạng hóa, mở rộng thị trường trong bối cảnh xuất khẩu được nhìn nhận đang gặp nhiều khó khăn đến từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ và xung đột địa chính trị. Củng cố các thị trường truyền thống, tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới phát triển thị trường bền vững, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

(2) Về đầu tư: Cần tiếp tục chủ động tăng cường, đẩy nhanh các dự án đầu tư, đưa nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời tiết kiệm hơn nữa để tập trung cho đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR); kịp thời có các giải pháp giải quyết các khó khăn về đầu tư, thúc đẩy công tác đầu tư đạt tiến độ và hiệu quả.

(3) Về tiêu dùng: Chú trọng, tập trung khai thác thị trường nội địa, mở rộng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từ đó góp phần làm mới lại động lực tăng trưởng.

(4) Chú trọng áp dụng quản trị thông minh, từ đó giảm chi phí quản lý để dành cho đầu tư, phát triển.

(5) Tăng cường phối hợp, hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.

(6) Chú trọng công tác khen thưởng kịp thời; khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

4. Yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền:

- Thường xuyên rà soát, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về thể chế cho doanh nghiệp nhà nước.

- Chủ động rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, tiến tới giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ.

- Tập trung phát triển các hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

- Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo từ đó cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

- Góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

- Tập trung giải ngân đầu tư công.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan: (i) Trao đổi, phối hợp, thống nhất với Bộ Công an để tháo gỡ các vướng mắc của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan tới chuyển đổi số; (ii) Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, sớm hình thành sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất; (iii) Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo cầu nối giữa cung, cầu công nghệ thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ trong nước.

6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan: (i) Tập trung xây dựng, trình ban hành Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) theo nguyên tắc “cái gì biết mới quản, không biết thì không quản”, tinh thần là phải đổi mới, tăng cường phân cấp phân quyền; (ii) Tham mưu chính sách miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.

7. Bộ Ngoại giao rà soát, thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới giúp kết nối doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, kết nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế các nước.

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu, điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn do yếu tố khách quan.

9. Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu, xử lý đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan đến công tác khen thưởng.

10. Các Bộ, cơ quan, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền: Khẩn trương xem xét, xử lý hiệu quả, kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp tại Phụ lục đính kèm, thông tin kịp thời kết quả xử lý cho doanh nghiệp; đồng thời gửi kết quả xử lý đến Bộ Tài chính trong tháng 5 năm 2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 6 năm 2025./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc TGĐ Cổng TTĐT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các DNNN (danh sách kèm theo);
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN: Đỗ Ngọc Huỳnh, Mai Thị Thu Vân; các Vụ: KTTH, CN, NN, KGVX, QHQT
- Lưu: VT, ĐMDN (2b). QT

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Đỗ Ngọc Huỳnh

 

PHỤ LỤC

TỔNG HỢP CÁC KIẾN NGHỊ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TẠI HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VỀ TIÊN PHONG TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG
(Kèm theo Thông báo số 216/TB-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ)

STT

Đơn vị kiến nghị, đề xuất

Nội dung kiến nghị

Phân công cơ quan nghiên cứu, xử lý theo chức năng, thẩm quyền

Văn bản kiến nghị/phát biểu tại Hội nghị

1

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam)

(1) Chính phủ xem xét cơ cấu lại tỷ lệ, chính sách thuế đối với tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên khí để có thể thúc đẩy các dự án lớn đưa vào khai thác (VD: mỏ cá voi xanh)

Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị

(2) PVN đã phát triển mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị, với nhiều doanh nghiệp thành viên có năng lực. Đề nghị có cơ chế để cho phép PVN được chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các công việc của Tập đoàn. Hiện nay việc thực hiện đấu thầu đang kéo dài thời gian nhiều dự án. Đề nghị sửa đổi Luật Đấu thầu, cho phép cơ chế đặc thù (chỉ định thầu, đàm phán) cho dự án CĐS chiến lược của DNNN chủ lực và ban hành hướng dẫn chi tiết.

Bộ Tài chính

(3) Mở rộng cho phép các NHTM trong nước được tài trợ bằng ngoại tệ cho các dự án (tương tự như việc Vietcombank vừa rồi tài trợ cho dự án Lô B)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(4) Khung pháp lý công nghệ mới: Ban hành luật/nghị quyết cho Regulatory Sandbox và xây dựng TCVN, quy chế hoạt động cho công nghệ số mới (AI, Big Data...).

Bộ Khoa học và Công nghệ

(5) An ninh mạng: Hoàn thiện luật an ninh mạng cho hạ tầng trọng yếu (đặc biệt là OT) và ban hành tiêu chuẩn, giải pháp bảo vệ bắt buộc.

Bộ Công an

(6) Hạ tầng dữ liệu: Xây dựng chiến lược hạ tầng dữ liệu quốc gia, nền tảng CSDL năng lượng và ban hành quy định quản lý, kết nối, chia sẻ hiệu quả.

Bộ Công an

(7) Tiếp cận công nghệ tiên tiến: Tăng cường hợp tác quốc tế, đặt hàng R&D, thu hút chuyên gia và hỗ trợ DNNN tiếp cận công nghệ hàng đầu.

Bộ Khoa học và Công nghệ

(8) Nguồn nhân lực số: Cập nhật chương trình đào tạo đại học/dạy nghề về kỹ năng số và khuyến khích DNNN xây dựng chiến lược nhân sự số dài hạn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

(9) Văn hóa số & đổi mới sáng tạo mở: Yêu cầu DNNN thúc đẩy văn hóa số, đổi mới sáng tạo và tạo cơ chế hợp tác hiệu quả trong hệ sinh thái mở.

Bộ Khoa học và công nghệ

(10) Nguồn lực chuyển đổi số chiến lược: Phê duyệt bố trí nguồn lực đặc thù (đầu tư công, cơ chế tài chính) cho dự án CĐS chiến lược và xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả.

Bộ Khoa học và Công nghệ

(11) Đa dạng hóa thị trường: Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng chuỗi cung ứng mới và thúc đẩy hợp tác quốc tế (FTA...) để giảm tác động thuế đối ứng.

Bộ Công Thương

2

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel

(1) Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025, sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết số 71/NQ-CP với tổng cộng 189 nhiệm vụ. Đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan sớm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại các Nghị quyết nói trên.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị

(2) Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiên trì, thúc đẩy ngoại giao kinh tế để hỗ trợ cho Viettel và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tốt hơn các thị trường nước ngoài. Sau khi các nghị định, thỏa thuận được ký kết, cần phải tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao

3

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

(1) Mong muốn đưa các giải pháp chuyển đổi số của VNPT vào Chính phủ, từ đó cung cấp dịch vụ công cho người dân, cung cấp trợ lý ảo cho công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc, quản trị công việc.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị

(2) Mong muốn đưa các giải pháp chuyển đổi số của VNPT vào các DNNN khác để nhân rộng việc chuyển đổi số, giúp tăng trưởng, phát triển các DNNN, giúp các DNNN tăng trưởng đột phá.

Bộ Tài chính

4

Tập đoàn Điện lực Việt Nam

(1) Đề nghị phải chuyển đổi số khung thể chế cho các DNNN làm việc, bao gồm khung pháp lý và việc quản lý của các Bộ tới DNNN.

Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị

(2) Đề nghị các Tập đoàn chuyên về CNTT có nhiều sản phẩm chuyển đổi số hơn nữa về quản lý doanh nghiệp, quản lý sản phẩm dịch vụ, vật tư... để giới thiệu tới các DNNN.

Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các Tập đoàn về công nghệ Viettel, VNPT, Mobifone ...)

(3) Đề nghị các Tập đoàn đẩy mạnh đầu tư, đưa nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Trường hợp có khó khăn vướng mắc, đề xuất Chính phủ tháo gỡ.

Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN)

5

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

(1) TKV đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm có văn bản cho phép TKV không phải đấu giá quyền khai thác 3 mỏ tại tỉnh Lào Cai là mỏ đồng Sin Quyền, mỏ Đông Nam Sin Quyền và mỏ đồng Tà Phời; 2 mỏ tại tỉnh Lâm Đồng là mỏ Tân Thượng và mỏ Lộc Lâm Lộc Phú; 2 mỏ tại tỉnh ĐắkNong là Mỏ Gia nghĩa 2-1 và Mỏ Đông Nam Quảng Sơn.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phát biểu tại Hội nghị

(2) Cho phép sử dụng Quy hoạch 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm căn cứ cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản than như đề nghị của Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

6

Becamex EDC - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP

Công tác tăng vốn của Becamex IDC: Thực hiện theo Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện Becamex IDC đang tiến hành tăng vốn trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM, dự kiến đấu giá vào 28/4, tuy nhiên do tình hình kinh tế có nhiều biến đổi, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng đã có tác động sâu rộng tới thị trường tài chính.

Becamex IDC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhà nước tại Becamex IDC đến năm 2030, giúp Becamex IDC huy động vốn hiệu quả hơn. Becamex sẽ nhanh chóng tiến hành việc giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhả nước khi tình hình thị trường chứng khoán tốt trở lại.

Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bình Dương

Phát biểu tại Hội nghị

7

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB)

(1) MB kiến nghị Chính phủ giao bài toán lớn, các Dự án lớn, các cơ hội đầu tư về Chuyển đổi số cho các DNNN.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị

(2) Cơ chế lương là việc khó của DNNN. Để đảm bảo tính cạnh tranh, cần cho phép DNNN được căn cứ vào doanh thu, lợi nhuận và tự quyết định việc trả lương như doanh nghiệp tư nhân.

Bộ Nội vụ

(3) Đối với một số ngành vô cùng tiềm năng để chuyển đổi số như giáo dục, y tế... Các ngành này nếu chuyển đổi số sẽ có sức lan tỏa lớn. Đề nghị Chính phủ quan tâm cho công tác chuyển đổi số các ngành này, cân nhắc giao cho các DN làm nếu phù hợp.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo

8

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

(1) Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&MT, UBND các tỉnh thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt, giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuế sử dụng đất đối với diện tích đất trụ sở điều hành sản xuất của các đơn vị đầu máy, toa xe để phù hợp với điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phát biểu tại Hội nghị

(2) Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội giải quyết thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất tại số 551 Nguyễn Văn Cừ để giải quyết dứt điểm vướng mắc tại khu đất này.

UBND TP Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường

(3) Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn vốn cho các dự án đầu tư công khẩn cấp hàng năm để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình xung yếu trên mạng lưới đường sắt đang giao Tổng công ty quản lý, sử dụng, khai thác.

Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính

(4) Đề nghị các địa phương có đường sắt đi qua bố trí nguồn kinh phí để triển khai Quyết định 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.

Bộ Xây dựng

(5) Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn chính sách “Giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia” như các Thông tư của Bộ Tài chính đã triển khai từ năm 2021 đến hết năm 2024; đồng thời đề nghị việc giảm phí nêu trên được áp dụng liên tục trong thời gian 3 năm (từ năm 2025 - 2027) để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động trong việc cân đối kế hoạch kinh doanh các năm tiếp theo.

Bộ Tài chính

(6) Tiếp tục kiến nghị phía Trung Quốc chạy lại tàu khách liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bộ Xây dựng

9

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

(1) Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành văn bản sửa đổi/ thay thế Quyết định 53/2012/QĐ-TTg theo hướng “áp dụng bắt buộc” 100% nhiên liệu sinh học E10 đối với xe chạy xăng và B5-B10 đối với xe chạy dầu trên phạm vi toàn quốc ngay trong năm 2025, nhằm:

- Giảm phát thải khí nhà kính khoảng 1.8-2 triệu tấn carbon/năm

- Tăng cường nhập khẩu ngô, ethanol từ Hoa Kỳ trị giá khoảng 1-1,5 tỷ USD/năm góp phần rất tích cực cân bằng cán cân thương mại Mỹ-Việt, làm giảm nguy cơ bị áp thuế đối ứng ở mức cao từ phía Mỹ.

Bộ Công Thương

Góp ý qua tham luận

(2) Petrolimex kính đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bắt buộc áp dụng triệt để hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và 70/2025/NĐ-CP, tăng tính minh bạch, lành mạnh và công bằng cho thị trường kinh doanh xăng dầu.

Bộ Tài chính, Bộ Công thương

(3) Petrolimex kính đề nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh khoản 1 Điều 12 QCVN 01:2020/BCT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu (ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BCT của Bộ Công thương ) theo hướng: Chỉ cấm sử dụng điện thoại trong vùng nguy hiểm, thay vì cấm toàn bộ tại cửa hàng xăng dầu. Đây là điều kiện cần thiết để khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng thanh toán QR, App Petrolimex, ví điện tử,.. giúp thúc đẩy dịch vụ số, thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng số theo chủ trương Nghị Quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Trung Ương.

Bộ Công Thương

(4) Petrolimex kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp, sinh hoạt áp dụng cho các cơ sở có quy mô nhỏ dưới 20 m3/ngày, theo hướng: Linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - kỹ thuật thực tế; gia hạn lộ trình áp dụng để không tạo rào cản cho doanh nghiệp; tránh gây áp lực chi phí đầu tư lớn không cần thiết.

Để đáp ứng tiêu chuẩn theo các quy chuẩn hiện hành và theo dự thảo Quy chuẩn mới thì riêng Petrolimex sẽ phải dành nguồn lực khoảng gần 1.000 tỷ đồng và quan trọng hơn, 17.000 CHXD của toàn xã hội sẽ phải tốn thêm khoảng trên 5.000 tỷ đồng, đây là gánh nặng tài chính quá sức với hầu hết các doanh nghiệp KDXD đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

10

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước

Trong trường hợp Mỹ tiếp tục đánh thuế cao với các quốc gia và các nước gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách:

 

Góp ý qua tham luận

(1) Thúc đẩy tiêu dùng hàng nội địa thông qua tiếp tục điều chỉnh giảm thuế trong đó có thuế VAT nhằm tăng sức mua trong nước, góp phần hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng trong GDP quốc gia.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương

(2) Ổn định chi phí sản xuất: Chưa thực hiện việc tăng giá các mặt hàng Nhà nước điều tiết trong những tháng cuối năm 2025 để giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính

(3) Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp: Chỉ đạo hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng chưa thực hiện hạ xếp hạng tín dụng, tăng lãi suất hoặc cắt giảm hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực do biến động của chính sách thuế quan bảo hộ gia tăng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(4) Sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách thử nghiệm triển khai mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Có cơ chế phù hợp để cho phép các DNNN chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; chấp nhận rủi ro khi thực hiện đầu tư vào các dự án đầu tư đổi mới sáng tạo.

Bộ Khoa học và Công nghệ

(5) Sửa đổi bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ: Qua thực tế triển khai, với cơ chế tài chính đối với DNNN hiện hành, việc chi sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của các Tập đoàn, Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, hầu như không giải ngân được. Dẫn đến, một nguồn lực sẵn có, khá lớn của DNNN và Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chưa được huy động, đầu tư vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và chuyển đổi số nói riêng nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính

(6) Đề nghị nghiên cứu bổ sung mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho chuyển đổi số, ứng dụng AI, nhiệm vụ đầu tư, tài trợ cho các vườn ươm trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo,...

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính

(7) Áp dụng cơ chế đặc thù về đầu tư, mua sắm của DNNN cho sản phẩm, dịch vụ sổ theo trình tự thủ tục rút gọn.

Bộ Tài chính

(8) Cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, như vay vốn ưu đãi hoặc trợ cấp đề doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ và hạ tầng số.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(9) Xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng chung của các DNNN trong việc liên kết, chia sẻ hạ tầng và dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về tài chính, đầu tư, quản trị rủi ro; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chung của khối ĐNNN.

Bộ Công an

(10) Về hạ tầng công nghệ thông tin: Đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư và hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin, như mạng Internet tốc độ cao, các nền tảng số, các trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan như chip bán dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các giải pháp số hóa.

Bộ Khoa học và Công nghệ

11

Tổng công ty Hàng không Việt Nam

(1) Ban hành sớm Luật và các văn bản hướng dẫn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm thể chế hóa các chủ trương tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định rõ vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong kiến tạo nền kinh tế số và phát triển bền vững.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Góp ý qua tham luận

(2) Khuyến khích mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư công nghệ và dữ liệu, cho phép các doanh nghiệp nhà nước phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước để triển khai các dự án chuyển đổi số chiến lược, chia sẻ rủi ro và nguồn lực đầu tư.

Bộ Khoa học và Công nghệ

(3) Xây dựng cơ chế tiếp cận linh hoạt các quỹ đổi mới sáng tạo và công nghệ do Nhà nước quản lý (như Quỹ phát triển khoa học - công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia), đặc biệt ưu tiên cho các dự án ứng dụng công nghệ mới có tính thử nghiệm, mức độ rủi ro cao nhưng có khả năng tạo đột phá về hiệu quả, quy mô và liên kết liên ngành.

Bộ Khoa học và Công nghệ

(4) Thiết lập cơ chế chính sách tiền lương, thưởng linh hoạt theo đặc thù công nghệ và thị trường lao động cao cấp, áp dụng với các vị trí chuyên sâu như phi công, kỹ sư dữ liệu, chuyên gia an toàn thông tin, chuyên viên AI... Đây là yếu tố quyết định để giữ chân và phát triển nguồn lực số có năng lực toàn cầu trong doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Nội vụ

(5) Đẩy mạnh đàm phán và hợp tác quốc tế để triển khai công nghệ vệ tinh tầm thấp (LEO), phục vụ kết nối dữ liệu thời gian thực giữa tàu bay và mặt đất (Flight-to-Ground Communication), đồng thời phát triển dịch vụ internet tốc độ cao trên tàu bay nhằm hiện đại hóa trải nghiệm hành khách và năng lực quản lý khai thác hàng không.

Bộ xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ

(6) Hỗ trợ thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu và hạ tầng Cloud của các tập: đoàn công nghệ hàng đầu (AWS, Microsoft Azure, Google Cloud, Oracle, SAP...) tại Việt Nam, bảo đảm chủ quyền số, giảm chi phí tích hợp công nghệ và gia tăng hiệu quả vận hành cho các DNNN.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính (NIC)

(7) Triển khai chương trình quốc gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số - CNTT - AI cho doanh nghiệp nhà nước, với sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp công nghệ và các trường đại học hàng đầu. Chương trình cần bám sát chuẩn quốc tế (như IATA 2030 đối với ngành hàng không), nhằm từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia số có khả năng đảm đương các nhiệm vụ chiến lược về dữ liệu, công nghệ và an toàn trong thời kỳ chuyển đổi số.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ

(8) Tổng công ty kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ xây dựng cơ chế tín chỉ carbon trong ngành hàng không; ưu đãi về thuế, lãi suất và đầu tư xanh; đồng thời phát triển các quỹ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vận tải công cộng bền vững (SAF).

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

12

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)

(1) VIMC kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết đảm bảo khởi công dự án Cần Giờ trong năm 2025 nhằm chào mừng Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIV

UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng

Góp ý qua tham luận

(2) Đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Bộ Xây dựng

(3) Đối với Dự án Liên Chiểu: Nhằm mục tiêu di dời công năng, chuyển dịch khai thác hàng hóa từ bến cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng, đồng thời, đảm bảo năng lực khai thác của Tổng công ty/Cảng Đà Nẵng tại khu vực miền Trung, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận ưu tiên cho Tổng công ty được tham gia đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tổng thể bến cảng container Liên Chiểu, Đà Nẵng.

UBND TP Đà Nẵng, Bộ Xây dựng

13

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)

(1) Để tăng năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng, hướng tới mục tiêu tăng GDP 2 con số giai đoạn 2026-2030, Agribank kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế riêng cho các NHTM Nhà nước; xem xét phê duyệt Phương án bổ sung vốn điều lệ 29.690 tỷ đồng giai đoạn 2025-2027 của Agribank.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Góp ý qua tham luận

(2) Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính điều chỉnh nâng lãi suất phát hành TPCP lên mức phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động vốn bình quân của các NHTM Nhà nước từng thời kỳ và tăng khối lượng phát hành TPCP tại các kỳ hạn ngắn hơn (5 năm, 7 năm) đảm bảo phù hợp với cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng; có cơ chế đối với TPCP của một số dự án trọng điểm có lãi suất cao hơn, phù hợp hơn, từ đó các NHTM sẽ định lượng vốn để đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định với lãi suất huy động vốn cho dự án thấp hơn lãi suất vay thương mại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính

(3) Kính đề nghị NHNN, các bộ ngành, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực ngân hàng số (Chuẩn mực về định danh điện tử (eKYC), hợp đồng điện tử...); Sớm hoàn thiện và ban hành khung pháp lý thử nghiệm (Sandbox) cho lĩnh vực ngân hàng; Tiếp tục hỗ trợ ngành ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng, dữ liệu số như Hạ tầng thanh toán liên thông tốc độ cao; cơ sở dữ liệu quốc gia với các dữ liệu tài chính cho phép các ngân hàng cùng tham gia khai thác để phát triển sản phẩm dịch vụ; có phương án giảm chi phí chia sẻ và ứng dụng dữ liệu dân cư cho các ngân hàng thương mại; Có cơ chế phù hợp về trình tự, thủ tục, thời gian để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghệ; cơ chế chủ động hợp tác phát triển sản phẩm công nghệ với các công ty Fintech đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngân hàng, triển khai ngân hàng số; Sớm ban hành các cơ chế về thu hút và đãi ngộ nhân tài làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nội vụ

14

Tổng công ty du lịch Hà Nội

(1) DNNN khẳng định tính tiên phong trong chuyển đổi số như: ứng dụng công nghệ vào cửa khẩu thông minh, giảm thời gian, giảm các thủ tục và đảm bảo thuận tiện trong việc check in, check out tại các cửa khẩu, ứng dụng triệt để Visa điện tử. Tăng cường đầu tư nâng cấp để hạ tầng giao thông thông thoáng, hạ tầng du lịch cần được đầu tư bài bản và đồng bộ.

Bộ Tài chính, Bộ Công an

Góp ý qua tham luận

(2) Tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu năng lực cạnh tranh về du lịch (17 chỉ tiêu). Phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo trong đó cần Quy hoạch bài bản các vùng phát triển du lịch để thu hút vốn đầu tư.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(3) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển Kinh tế cửa khẩu, Kinh tế đêm, Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính

(4) Đẩy mạnh đầu tư và khai thác Đường sắt du lịch, Cảng biển du lịch vì hiện nay loại hình này đang rất phát triển ở các quốc gia thu hút số lượng lớn khách du lịch.

Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(5) Tăng cường công tác quảng bá hình ảnh quốc gia các điểm đến của Việt Nam tại quốc tế thông qua các hình thức giới thiệu sáng tạo và phù hợp với thời đại, giai đoạn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(6) Phát triển nền công nghiệp văn hóa sẽ mang lại nguồn thu lớn cho quốc gia. Ngày 08/9/2016, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã thúc đẩy phát triển 12 lĩnh vực trong đó có Du lịch văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

15

Tổng Công ty xi măng Việt Nam

Về mỏ nguyên liệu cho sản xuất xi măng, VICEM kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường:

(1) Quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn VICEM và các công ty thành viên về thủ tục xin cấp phép thăm dò, khai thác mỏ, điều chỉnh các dự án mỏ theo quy định hiện hành.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Góp ý qua tham luận

(2) Một số công ty sản xuất xi măng hiện nay không có nguồn nguyên liệu điều chỉnh trong sản xuất clinker (đất giàu silic, đất giàu sắt, đất giàu nhôm...). Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, có các giải pháp hỗ trợ để đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng

Về cơ chế xử lý rác thải, bùn thải, VICEM kiến nghị Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Môi trường:

(3) Chấp thuận việc đồng xử lý vỏ bao xi măng đã qua sử dụng làm nhiên liệu thay thế để tận dụng nhiệt trong quá trình sản xuất clinker thay vì thực hiện tái chế như quy định đối với các công ty sản xuất xi măng có hệ thống đủ điều kiện đồng xử lý.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

(4) Xem xét có cơ chế để khuyến khích các Công ty sản xuất xi măng thực hiện việc đồng xử lý rác thải trong lò nung clinker; xem xét bổ sung Quy hoạch các nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng. Trong đó, có việc quy hoạch nguồn rác thải sinh hoạt để đồng xử lý trong lò nung clinker thay cho việc đốt rác thải sinh hoạt để phát điện tại các dự án nhiệt điện rác chuẩn bị đầu tư mới theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

(5) Xem xét sửa đổi bổ sung một số quy định hiện hành về địa điểm cơ sở xử lý chất thải và từng bước thí điểm xây dựng thị trường chất thải công nghiệp thông thường cạnh tranh; Xây dựng Quota phát thải chất thải các loại đối với cụm, khu công nghiệp và các làng nghề, hình thành thị trường tín dụng chất thải (mua bán phát thải chất thải).

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

(6) Xem xét sắp xếp các nguồn vốn ưu đãi cho việc đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ quá trình xử lý chất thải và hỗ trợ chi phí xử lý, chi phí vận chuyển đối với các chất thải đã và đang tồn đọng tại các bãi chứa thuộc thành phố, địa phương đang quản lý.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính

(7) Xem xét xây dựng, bổ sung quy định, chỉ dẫn về việc dán nhãn hiệu sản xuất xanh, thân thiện môi trường... đối với các sản phẩm của đơn vị sản xuất xi măng thực hiện xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế và đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 216/TB-VPCP năm 2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị với doanh nghiệp nhà nước về tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 216/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 06/05/2025
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Đỗ Ngọc Huỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/05/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản