Chương 2 Nghị định 116/2025/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật
Chương II
CHÍNH SÁCH, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HỖ TRỢ KHẮC PHỤC DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
Điều 5. Điều kiện hỗ trợ
1. Cơ sở sản xuất có động vật, sản phẩm động vật buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh động vật theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đối với trường hợp đã công bố dịch bệnh: Có động vật, sản phẩm động vật buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật trong vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;
b) Đối với trường hợp chưa đủ điều kiện công bố dịch bệnh: Có động vật, sản phẩm động vật tại ổ dịch đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch hoặc Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc động vật tại ổ dịch tiếp theo trên cùng địa bàn cấp xã (theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương) được Cơ quan có thẩm quyền kết luận mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh đối với bệnh đã có kết quả xét nghiệm dương tính tại ổ dịch đầu tiên;
c) Đối với trường hợp bệnh mới xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch bệnh: Có văn bản của Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thú y xác nhận tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới.
2. Người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật phải được cơ quan, đơn vị nhà nước có thẩm quyền phân công hoặc huy động bằng văn bản.
Điều 6. Mức hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất
1. Đối với cơ sở sản xuất động vật trên cạn:
a) Trâu, bò, ngựa, dê: 50.000 đồng/kg hơi;
b) Cừu, hươu sao: 55.000 đồng/kg hơi;
c) Lợn: 40.000 đồng/kg hơi;
d) Gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu: 35.000 đồng/kg hơi;
đ) Chim cút: 20.000 đồng/kg hơi;
e) Đà điểu: 50.000 đồng/kg hơi;
g) Trứng gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, chim cút, đà điểu): 20.000 đồng/kg.
2. Đối với cơ sở sản xuất động vật thủy sản:
a) Tôm hùm giống: 10.000 đồng/con;
b) Tôm giống (tôm thẻ chân trắng, tôm sú) từ giai đoạn hậu ấu trùng Postlarvae 12 trở lên: 10.000.000 đồng/01 triệu con;
c) Cá giống (cá biển, cá tra, cá truyền thống, cá rô phi, cá nước lạnh): 10.000 đồng/kg;
d) Diện tích nuôi tôm sú quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp): 9.000.000 đồng/ha;
đ) Diện tích nuôi tôm sú (bán thâm canh, thâm canh): 12.000.000 đồng/ha;
e) Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng: 20.000.000 đồng/ha (mật độ nuôi từ 50 - 100 con/m2); 30.000.000 đồng/ha (mật độ nuôi từ trên 100 - 250 con/m2); 50.000.000 đồng/ha (mật độ nuôi từ trên 250 con/m2);
g) Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa: 10.000.000 đồng/ha;
h) Diện tích nuôi cá tra thâm canh: 50.000.000 đồng/ha;
i) Diện tích nuôi cá rô phi thâm canh: 30.000.000 đồng/ha;
k) Cá nước lạnh (tầm, hồi) nuôi thâm canh: 20.000 đồng/kg;
l) Thủy sản nước ngọt nuôi lồng, bè: 5.000 đồng/kg;
m) Hải sản nuôi lồng, bè: 10.000 đồng/kg.
Điều 7. Mức hỗ trợ đối với người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật
1. Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật được hỗ trợ: 400.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc; 500.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
2. Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được phân công, huy động tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật được hỗ trợ: 150.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc; 300.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
Điều 8. Nguồn kinh phí thực hiện, nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương
1. Nguồn kinh phí thực hiện
a) Ngân sách nhà nước, bao gồm: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương;
b) Đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, tổ chức quốc tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương
a) Đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương thực hiện chính sách theo quy định tại Điều 6 và khoản 1 Điều 7 Nghị định này được xác định theo tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi cân đối ngân sách địa phương, trong đó: hỗ trợ 80% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ cho địa phương có tỷ lệ từ 50% trở lên; hỗ trợ 60% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ cho địa phương có tỷ lệ từ 30% đến dưới 50%; hỗ trợ 30% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ cho địa phương có tỷ lệ dưới 30%;
b) Đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện chính sách;
c) Tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi cân đối ngân sách địa phương quy định tại điểm a, điểm b Khoản này được xác định theo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hằng năm do Quốc hội quyết định;
d) Trường hợp sau khi đã sử dụng nguồn lực của địa phương, gồm: Đóng góp, tài trợ, các nguồn tài chính hợp pháp khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, 70% số dư đầu năm Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh mà chưa đảm bảo được phần ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định tại điểm a, b khoản này thì ngân sách trung ương bổ sung thêm phần chênh lệch để các địa phương có đủ nguồn để thực hiện.
3. Các quy định khác
a) Trường hợp tổng kinh phí hỗ trợ thiệt hại và kinh phí hỗ trợ người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này trong năm dưới 01 tỷ đồng/năm: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện, ngân sách trung ương không hỗ trợ;
b) Việc huy động, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật;
c) Các cơ quan, đơn vị phân công, huy động người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này sử dụng dự toán được cấp có thẩm quyền giao để hỗ trợ người của cơ quan, đơn vị mình tham gia khắc phục dịch bệnh động vật.
d) Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (không bao gồm các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh động vật theo mức quy định tại Nghị định này.
Điều 9. Trình tự, thủ tục hỗ trợ cơ sở sản xuất bị thiệt hại do dịch bệnh động vật
1. Trình tự, thủ tục hỗ trợ cơ sở sản xuất bị thiệt hại do dịch bệnh động vật trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:
a) Khi tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi sản xuất lập biên bản tiêu hủy theo Mẫu số 1a đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn hoặc Mẫu số 1b đối với động vật thủy sản quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc việc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật tại ổ dịch, cơ sở sản xuất nộp 01 bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính.
c) Thành phần hồ sơ: Đơn đề nghị hỗ trợ theo từng loại hình cơ sở sản xuất theo Mẫu số 2a, Mẫu số 2b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính thì thành phần hồ sơ là bản chính. Trường hợp nộp trực tuyến thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
d) Tiếp nhận hồ sơ
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa chính xác, hướng dẫn cơ sở sản xuất hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa chính xác, hướng dẫn cơ sở sản xuất hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra và thông báo về việc tiếp nhận hoặc yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.
đ) Thẩm định điều kiện, hồ sơ và niêm yết kết quả thẩm định
Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Tổ thẩm định. Tổ thẩm định có ít nhất 05 người do đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã làm tổ trưởng;
Hằng tháng, Tổ thẩm định tổ chức thẩm định ít nhất một lần đối với hồ sơ đề nghị hỗ trợ được tiếp nhận trong tháng đó. Thời gian thẩm định không quá 07 ngày kể từ ngày tổ chức thẩm định. Tổ thẩm định tiến hành thẩm định theo các điều kiện hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này;
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai Bảng tổng hợp đề xuất hỗ trợ cơ sở sản xuất bị thiệt hại do dịch bệnh theo Mẫu số 3a đối với động vật trên cạn và Mẫu số 3b đối với động vật thủy sản quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi sản xuất, đồng thời thông tin trên các phương tiện truyền thông của cấp xã. Thời gian công khai 05 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản cho cơ sở sản xuất không đủ điều kiện hỗ trợ và nêu rõ lý do;
Trường hợp có kiến nghị, phản ánh trong thời gian niêm yết, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ hỗ trợ, ban hành Quyết định hỗ trợ theo Mẫu số 4a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Hồ sơ hỗ trợ gồm: Văn bản đề nghị hỗ trợ của tổ chức, cá nhân; Bảng tổng hợp hỗ trợ cơ sở sản xuất bị thiệt hại do dịch bệnh theo Mẫu số 3a đối với động vật trên cạn và Mẫu số 3b đối với thủy sản quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức chi trả hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được hỗ trợ. Trường hợp không đủ kinh phí hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung theo quy định.
e) Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc diện được hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện hỗ trợ kinh phí cho cơ sở sản xuất, trên cơ sở kết quả thực hiện chi từ nguồn ngân sách nhà nước của các địa phương (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định.
2. Giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ đối với các cơ quan, đơn vị bị thiệt hại do dịch bệnh động vật thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý.
Đỉều 10. Trình tự, thủ tục hỗ trợ người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật
1. Đối với người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật không hưởng lương từ ngân sách nhà nước:
Căn cứ văn bản huy động người tham gia khắc phục dịch bệnh và Bảng chấm công, hằng tháng Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp kinh phí hỗ trợ theo Mẫu số 3c, ban hành Quyết định hỗ trợ theo Mẫu số 4b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và tổ chức chi trả hỗ trợ.
2. Đối với người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật hưởng lương từ ngân sách nhà nước:
Cơ quan, đơn vị căn cứ theo phân công nhiệm vụ, để thực hiện việc chi trả hỗ trợ cho người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.
Nghị định 116/2025/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật
- Số hiệu: 116/2025/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 05/06/2025
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc hỗ trợ
- Điều 5. Điều kiện hỗ trợ
- Điều 6. Mức hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất
- Điều 7. Mức hỗ trợ đối với người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật
- Điều 8. Nguồn kinh phí thực hiện, nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương
- Điều 9. Trình tự, thủ tục hỗ trợ cơ sở sản xuất bị thiệt hại do dịch bệnh động vật
- Điều 10. Trình tự, thủ tục hỗ trợ người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật