Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 83/2025/QH15 | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2025 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 4 như sau:
“6. Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội tại địa phương; Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, đặc khu tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tương ứng; các Ban bầu cử, Tổ bầu cử thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 8 như sau:
“3. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Ban thường vụ trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
4. Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban thường vụ Quốc hội được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị hành chính theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử:
1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và tình hình cụ thể của từng địa phương;
2. Thường trực Hội đồng nhân dân xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khóm (sau đây gọi chung là tổ dân phố), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và tình hình cụ thể của từng địa phương;
3. Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của Thường trực Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử cùng cấp.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 10 như sau:
“2. Tỉnh, thành phố được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội.
Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.
3. Tỉnh, thành phố được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Xã, phường, đặc khu được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cử ở cấp đó ấn định theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử.”.
5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 11 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Ở miền núi, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có đủ ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu. Việc xác định khu vực bỏ phiếu được thực hiện trước khi thành lập Tổ bầu cử.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 và Điều 22 như sau:
“Điều 21. Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương
1. Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử).
2. Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (sau đây gọi chung là Ban bầu cử).
3. Tổ bầu cử.
Điều 22. Việc thành lập, cơ cấu, thành phần của Ủy ban bầu cử
1. Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử ở tỉnh) để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại tỉnh, thành phố.
Ủy ban bầu cử ở tỉnh có từ hai mươi ba đến ba mươi bảy thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Danh sách Ủy ban bầu cử ở tỉnh phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử ở xã) để tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Ủy ban bầu cử ở xã có từ chín đến mười bảy thành viên. Thành viên Ủy ban bầu cử ở xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Danh sách Ủy ban bầu cử ở xã phải được gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:
“Điều 24. Ban bầu cử
1. Chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội một Ban bầu cử đại biểu Quốc hội có từ chín đến mười bảy thành viên gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình một Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Thành phần Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có thêm đại diện cử tri ở địa phương.
Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có từ mười một đến mười lăm thành viên. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có từ chín đến mười lăm thành viên. Ban bầu cử gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên.
3. Ban bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử;
b) Kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử;
c) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu;
d) Nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các Tổ bầu cử chậm nhất là 13 ngày trước ngày bầu cử;
đ) Nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử;
e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
g) Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo hướng dẫn, yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc theo yêu cầu của Ủy ban bầu cử cùng cấp;
h) Chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh; chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Ủy ban bầu cử cùng cấp;
i) Tổ chức thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).”.
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25 như sau:
“1. Chậm nhất là 43 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tổ bầu cử có từ mười một đến hai mươi mốt thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương.
Đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng được thành lập một Tổ bầu cử có từ năm đến chín thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó.
Trong trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ mười một đến hai mươi mốt thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó.”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 31 như sau:
“1. Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu.”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 36 như sau:
“3. Công dân được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp.
4. Sau khi hết thời hạn nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà người đã ứng cử chuyển công tác từ đơn vị hành chính này sang đơn vị hành chính khác thì việc chuyển hồ sơ ứng cử được thực hiện theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia.”.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 41 như sau:
“2. Ở cơ quan nhà nước, ban lãnh đạo cơ quan dự kiến người của cơ quan mình để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, ban lãnh đạo cơ quan tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận, giới thiệu người của cơ quan mình ứng cử đại biểu Quốc hội;”.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 42 như sau:
“2. Ban lãnh đạo đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế phối hợp với ban chấp hành công đoàn tổ chức, đơn vị (nếu có); ban lãnh đạo cơ quan nhà nước dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại diện ban chấp hành công đoàn (nếu có), đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận, giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội;”.
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 45 như sau:
“1. Hội nghị cử tri ở xã, phường, đặc khu được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú thường xuyên do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị này.
2. Hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội do ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức triệu tập và chủ trì; hội nghị cử tri ở đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế do người đứng đầu tổ chức, đơn vị phối hợp với ban chấp hành công đoàn tổ chức, đơn vị (nếu có) triệu tập và chủ trì; hội nghị cử tri ở đơn vị vũ trang nhân dân là hội nghị quân nhân do lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội được mời tham dự hội nghị này.”.
14. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 50 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp tỉnh thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trên địa bàn.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp xã được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.”.
15. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 52 như sau:
“2. Ban lãnh đạo đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế phối hợp với ban chấp hành công đoàn tổ chức, đơn vị (nếu có); ban lãnh đạo cơ quan nhà nước dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại diện ban chấp hành công đoàn (nếu có), đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận, giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;”.
16. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 53 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ hai thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp xã được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.”.
17. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 54 như sau:
“1. Hội nghị cử tri ở xã, phường, đặc khu được tổ chức tại thôn, tổ dân phố do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.
2. Hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội do người đứng đầu cơ quan, tổ chức triệu tập và chủ trì; hội nghị cử tri ở tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp do người đứng đầu tổ chức, đơn vị phối hợp với ban chấp hành công đoàn tổ chức, đơn vị (nếu có) triệu tập và chủ trì. Hội nghị cử tri ở đơn vị vũ trang nhân dân là hội nghị quân nhân do lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì.”.
18. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 56 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 23 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ ba thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến và kết quả hội nghị.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh được gửi ngay đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp xã được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.”.
19. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 58 như sau:
“1. Chậm nhất là 21 ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
2. Chậm nhất là 17 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử phải lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử.
Việc lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 57 của Luật này.”.
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 66 như sau:
“Điều 66. Hội nghị tiếp xúc cử tri
1. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức theo hình thức trực tiếp hoặc căn cứ điều kiện thực tế có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Việc tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến chỉ được thực hiện khi bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về hình thức, nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị, điểm truy cập trực tuyến để cử tri tham dự đông đủ.
2. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các nội dung sau đây:
a) Tuyên bố lý do;
b) Đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử;
c) Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;
đ) Người chủ trì hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị.
3. Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.”.
21. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 85 như sau:
“3. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được lập thành sáu bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được gửi đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp tỉnh. Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được gửi đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”.
22. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 98 như sau:
“3. Trong quá trình triển khai thực hiện công tác bầu cử, nếu có phát sinh vướng mắc, giao Hội đồng bầu cử quốc gia chủ động điều chỉnh thời gian phù hợp với thực tế các bước tiến hành và hướng dẫn các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện đúng quy định.”.
23. Thay thế một số cụm từ tại các điều, khoản, điểm như sau:
a) Thay thế từ “thị trấn” bằng từ “đặc khu” tại khoản 5 Điều 37;
b) Thay thế cụm từ “cấp huyện” bằng cụm từ “cấp xã” tại khoản 1 Điều 39;
c) Thay thế cụm từ “25 ngày” bằng cụm từ “17 ngày” tại điểm g khoản 1, điểm h khoản 2 Điều 23 và khoản 4 Điều 57;
d) Thay thế cụm từ “70 ngày” bằng cụm từ “42 ngày” tại khoản 1 Điều 35;
đ) Thay thế cụm từ “65 ngày” bằng cụm từ “40 ngày” tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 44;
e) Thay thế cụm từ “40 ngày” bằng cụm từ “35 ngày” tại khoản 4 Điều 46 và khoản 4 Điều 55;
g) Thay thế cụm từ “55 ngày” bằng cụm từ “38 ngày” tại Điều 47;
h) Thay thế cụm từ “35 ngày” bằng cụm từ “23 ngày” tại khoản 1 Điều 48 và khoản 1 Điều 49;
i) Thay thế cụm từ “30 ngày” bằng cụm từ “21 ngày” tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57;
k) Thay thế cụm từ “20 ngày” bằng cụm từ “16 ngày” tại khoản 7 Điều 57 và Điều 59;
l) Thay thế cụm từ “15 ngày” bằng cụm từ “07 ngày” tại khoản 3 Điều 79, khoản 4 Điều 80 và khoản 2 Điều 81;
m) Thay thế cụm từ “20 ngày” bằng cụm từ “10 ngày” tại khoản 1 Điều 86;
n) Thay thế cụm từ “05 ngày” bằng cụm từ “03 ngày” tại khoản 1 Điều 87;
o) Thay thế cụm từ “30 ngày” và cụm từ “20 ngày” bằng cụm từ “07 ngày” tại khoản 2 Điều 87.
24. Bỏ một số cụm từ tại các điều, khoản, điểm như sau:
a) Bỏ cụm từ “Ủy ban bầu cử ở huyện,” tại khoản 4 Điều 61;
b) Bỏ cụm từ “, cấp huyện” tại khoản 3, khoản 4 Điều 29; khoản 3, khoản 4 Điều 30; khoản 1 Điều 51; khoản 3 Điều 62; bỏ cụm từ “cấp huyện,” tại khoản 3 Điều 89;
c) Bỏ cụm từ “trực thuộc trung ương” tại Điều 7; các khoản 2, 3 và 5 Điều 15; điểm a khoản 1 Điều 23; tên Điều 39 và khoản 1 Điều 39; tên Điều 44 và khoản 1 Điều 44; tên Điều 49 và khoản 1 Điều 49; tên Điều 83 và khoản 2, khoản 3 Điều 83.
25. Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 76 và Điều 96.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp lần thứ 9 thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2025.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Nghị quyết 199/2025/QH15 về rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031
- 2Chỉ thị 46-CT/TW năm 2025 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sửa đổi 2025
- Số hiệu: 83/2025/QH15
- Loại văn bản: Luật
- Ngày ban hành: 24/06/2025
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Thanh Mẫn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra