Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 21 tháng 4 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN GIAI ĐOẠN 2024-2030 GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH VÀ VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Triển khai các nội dung Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, giai đoạn 2024-2030 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (sau đây gọi tắt là Viện Hàn lâm) đã ký kết ngày 05/11/2024, theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành kế hoạch thực hiện các nội dung hợp tác cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình hợp tác đã ký kết ngày 05/11/2024 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với mục tiêu hợp tác nghiên cứu, công bố và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học xã hội vào thực tiễn; tư vấn và phản biện chính sách phát triển; liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình.

2. Yêu cầu

- Công tác triển khai thực hiện bám sát nội dung Chương trình hợp tác đã ký kết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong việc triển khai các nhiệm vụ đã thống nhất.

- Cụ thể hóa các nội dung Chương trình hợp tác đảm bảo lộ trình, thời gian thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, khả năng của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các nhiệm vụ phải được triển khai chủ động, tích cực, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. NỘI DUNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Nội dung

- Đề nghị Viện Hàn lâm và các đơn vị nghiên cứu trực thuộc, chuyên gia của Viện tham gia tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phối hợp cùng Viện Hàn lâm thực hiện nhiệm vụ khoa học, dự án, đề tài, nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ do Viện Hàn lâm đề xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, có phương án nhận chuyển giao, ứng dụng vào các lĩnh vực ngành, địa phương. Đặt hàng Viện Hàn lâm các nhiệm vụ điều tra cơ bản, điều tra xã hội học nhằm cung cấp luận cứ, luận điểm khoa học, bộ công cụ quản lý nhà nước và giải pháp cụ thể, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Tạo điều kiện thuận lợi để Viện Hàn lâm giới thiệu các thành tựu khoa học và công nghệ tại tỉnh thông qua các hình thức như: tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, triển lãm…; hoặc cử các đoàn đến tham quan, nghiên cứu, trao đổi tại Viện Hàn lâm.

- Mời cán bộ khoa học thuộc Viện tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học tổ chức trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

- Tạo điều kiện cho các cán bộ tỉnh tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo của Viện Hàn lâm.

2. Thời gian thực hiện

Thời gian thực hiện đến năm 2030, bao gồm 02 giai đoạn:

- Giai đoạn khởi động (năm 2025): Chuẩn bị và triển khai một số hoạt động hợp tác ngắn hạn (xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh, công nhận di sản, tư vấn đề án, đề xuất nội dung hợp tác).

- Giai đoạn triển khai thực hiện (Từ năm 2026 đến năm 2030): tổ chức triển khai và thực hiện các chương trình, nội dung, nhiệm vụ hợp tác, trong đó trọng tâm là công tác hoàn thiện các tư liệu, dữ liệu khoa học để xem xét khả năng đề xuất UNESCO công nhận di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; thúc đẩy các công bố khoa học cho xây dựng thành phố sáng tạo, khai thác các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch, thúc đẩy doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển bền vững.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Năm 2025

- Xây dựng hồ sơ “Văn khắc Hán Nôm núi Non Nước, phường Vân Giang, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình” đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

- Tổ chức các Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp Thái phó Trương Hán Siêu, Ưu Bà Phạm Thị Trân, danh nhân Phạm Thận Duật.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Tổ chức triển khai đề xuất các nhiệm vụ hợp tác giữa các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.

2. Giai đoạn 2026 - 2030

2.1. Nghiên cứu đề xuất các chính sách phát triển văn hóa, nghiên cứu lịch sử - văn hóa, xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh các di sản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh

- Xây dựng đề án, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hoá - giải trí trên địa bàn tỉnh Ninh Bình dựa vào các tiềm năng, lợi thế và khai thác giá trị bản sắc di sản văn hóa và thiên nhiên của tỉnh.

- Xây dựng bộ tiêu chí gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc ở tỉnh Ninh Bình.

- Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử - văn hóa Ninh Bình:

+ Tiếp tục khai quật nghiên cứu khảo cổ, lập bản đồ quy hoạch khảo cổ cập nhật ở di tích Cố đô Hoa Lư, tiếp tục triển khai công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ học ở từng khu vực cụ thể, kết hợp các nghiên cứu liên ngành, phân tích tổng thể về các mặt bản đồ học, địa tầng học, môi trường cổ, xác định niên đại… thu thập tư liệu, ứng dụng công nghệ 3D phục dựng, số hoá tư liệu, tái dựng không gian phân bố các di tích tiêu biểu trong khu vực, góp phần làm rõ hơn bức tranh tổng thể về Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử.

+ Nghiên cứu lịch sử - văn hóa vùng đất cổ Ninh Bình, không gian văn hóa Kinh đô cổ Hoa Lư, trọng tâm là khu vực Cố đô Hoa Lư và vùng đất cổ lưu vực sông Bôi; xây dựng Đề án quốc gia về nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị vùng đất cổ, Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An và Cố đô Hoa Lư.

- Xem xét khả năng đề xuất, lập hồ sơ đề nghị công nhận cấp quốc gia, quốc tế đối với các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh:

+ Lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận ma nhai “Dục Thuý sơn Linh Tế tháp kí” khắc năm 1343 của Trương Hán Siêu là Bảo vật quốc gia.

+ Lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt di tích Quần thể nhà thờ Phát Diệm, tiến tới đề xuất UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

+ Lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO xem xét ghi danh “Nghệ thuật hát Xẩm” là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

- Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình trong điều kiện hiện nay.

- Nghiên cứu giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn thực cảnh dựa trên tiềm năng văn hoá sinh thái đặc sắc: Kinh nghiệm Trung Quốc và gợi mở đối với tỉnh Ninh Bình.

2.2. Nghiên cứu xây dựng, triển khai các giải pháp khai thác các giá trị lịch sử - văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

- Xây dựng thương hiệu địa phương (chiến lược marketing và quảng bá địa phương) nhằm khai thác giá trị bản sắc di sản văn hóa và thiên nhiên Ninh Bình phục vụ đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Các giải pháp phát triển làng nghề sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch ở Ninh Bình.

- Xây dựng Bách khoa thư Du lịch tỉnh Ninh Bình.

- Phát huy tri thức bản địa dân tộc Mường, xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng khác biệt, đẳng cấp hướng tới phát triển sinh kế bền vững và bảo tồn văn hóa tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

- Phát huy tri thức bản địa gắn với du lịch có trách nhiệm tại các khu vực di sản của Ninh Bình. Phát triển du lịch thông minh (smart tourism) gắn với bảo tồn, phát huy tri thức bản địa.

- Phát triển du lịch Halal (du lịch dành cho người Hồi giáo) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

- Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch tái tạo của tỉnh Ninh Bình.

- Liên kết trong phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình.

- Nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy kinh tế du lịch đêm ở Ninh Bình.

- Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi kép ở tỉnh Ninh Bình.

- Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ở Ninh Bình.

2.3. Nghiên cứu đề xuất, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát triển các ngành kinh tế

- Nghiên cứu xây dựng đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược tỉnh Ninh Bình đến năm 2030.

- Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình.

- Nghiên cứu ứng dụng bộ tiêu chí ESG phân tích môi trường, xã hội và quản trị ở tỉnh Ninh Bình.

- Giải pháp đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống tại tỉnh Ninh Bình.

2.4. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Lập đề án nghiên cứu xây dựng mô hình hỗ trợ tâm lý học đường và phát triển kỹ năng cho giáo viên và học sinh trong các trường phổ thông ở tỉnh Ninh Bình. Các nội dung chính của đề án là xây dựng các chương trình hỗ trợ đào tạo, tham vấn: Phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực học đường và an toàn trên không gian mạng; chăm sóc sức khỏe vị thành niên, tuổi dậy thì; giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống; hỗ trợ tâm lý học đường: tư vấn tâm lý; tham vấn tâm lý.

- Bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức; chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục bậc cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

2.5. Nghiên cứu khai thác các giá trị tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát triển kinh tế - xã hội

- Phát huy giá trị, nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, góp phần phát triển kinh tế xã hội (có thể triển khai trên những lĩnh vực cụ thể như: Phát huy giá trị, nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, trong xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, trong xây dựng đạo đức, lối sống, trong phát triển du lịch, phát triển kinh tế…).

- Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

- Phát huy giá trị, nguồn lực tôn giáo trong thay đổi tập quán mai táng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, góp phần tiết kiệm nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

2.6. Tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn

- Tăng cường tham mưu đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Hướng dẫn triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn.

- Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị khoa học; nghiên cứu biên tập, xuất bản các tài liệu khoa học xã hội và nhân văn về Ninh Bình thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan; các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố có liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo Chương trình hợp tác đã ký kết.

2. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch này. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu phương án triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch này trong năm 2025 và tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

- Tham mưu triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.

3. Văn phòng UBND tỉnh

Phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Tăng cường tham mưu đề xuất, đặt hàng các đề tài, nhiệm vụ khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp nhận, ứng dụng, triển khai các kết quả nghiên cứu trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai các nội dung theo Chương trình hợp tác đã ký kết.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch; căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, tham mưu cho cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí chi thường xuyên ngân sách tỉnh để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản có liên quan.

6. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến thăm và làm việc tại Ninh Bình trong quá trình triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn theo Chương trình hợp tác.

7. Đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch; chỉ đạo công tác tuyên truyền về việc hợp tác với Viện Hàn lâm nhằm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình hợp tác; phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm nhằm biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung, xuất bản lịch sử đảng bộ tỉnh, lịch sử đảng bộ các địa phương.

8. Các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu phương án triển khai thực hiện, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch.

- Triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch, đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ đề ra.

(Chi tiết nội dung và tiến độ thực hiện tại Phụ lục các nhiệm vụ triển khai Kế hoạch kèm theo).

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2024 - 2030 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa và Thể thao) để kịp thời chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;
- Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy;
- Các sở, ban,ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP6,5,7,9.
TN_VP6_15.KH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CÁC ĐƠN VỊ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Kèm theo Kế hoạch số:     /KH-UBND ngày     tháng 4 năm 2025 của UBND tỉnh)

Stt

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Ghi chú

1

Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sở Tài chính

Các Sở: Xây dựng, Văn hóa và Thể thao, Nội vụ; các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2025

 

2

Xây dựng đề án, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hoá - giải trí trên địa bàn tỉnh Ninh Bình dựa vào các tiềm năng, lợi thế và khai thác giá trị bản sắc di sản văn hóa và thiên nhiên của tỉnh.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2026

 

3

Phát triển công nghiệp văn hoá - giải trí trên địa bàn tỉnh Ninh Bình dựa vào các tiềm năng, lợi thế và khai thác giá trị bản sắc di sản văn hóa và thiên nhiên của tỉnh.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

4

Xây dựng bộ tiêu chí gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc ở tỉnh Ninh Bình.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2026

 

5

Tiếp tục khai quật nghiên cứu khảo cổ, lập bản đồ quy hoạch khảo cổ cập nhật ở di tích Cố đô Hoa Lư, tiếp tục triển khai công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ học ở từng khu vực cụ thể, kết hợp các nghiên cứu liên ngành, phân tích tổng thể về các mặt bản đồ học, địa tầng học, môi trường cổ, xác định niên đại… thu thập tư liệu, ứng dụng công nghệ 3D phục dựng, số hóa tư liệu, tái dựng không gian phân bố các di tích tiêu biểu trong khu vực, góp phần làm rõ hơn bức tranh tổng thể về Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

6

Nghiên cứu lịch sử - văn hóa vùng đất cổ Ninh Bình, không gian văn hóa Kinh đô cổ Hoa Lư, trọng tâm là khu vực Cố đô Hoa Lư và vùng đất cổ lưu vực sông Bôi.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, UBND thành phố Hoa Lư, các huyện: Nho Quan, Gia Viễn

Thường xuyên hằng năm

 

7

Xây dựng Đề án quốc gia về nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị vùng đất cổ, di sản văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An và Cố đô Hoa Lư.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2026- 2027

 

8

Tổ chức các Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp Thái phó Trương Hán Siêu, Ưu Bà Phạm Thị Trân, danh nhân Phạm Thận Duật.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, liên quan

Năm 2025

 

9

Xây dựng hồ sơ “Văn khắc Hán Nôm núi Non Nước, phường Vân Giang, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình” đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Sở Văn hóa và Thể thao; UBND thành phố Hoa Lư

Các sở, ngành, liên quan

Năm 2025

 

10

Lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận ma nhai “Dục Thuý sơn Linh Tế tháp kí” khắc năm 1343 của Trương Hán Siêu là Bảo vật quốc gia

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, UBND thành phố Hoa Lư

Năm 2026

 

11

Lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt di tích Quần thể nhà thờ Phát Diệm, tiến tới đề xuất UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành liên quan, UBND huyện Kim Sơn

Năm 2026- 2030

 

12

Lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO xem xét ghi danh “Nghệ thuật hát Xẩm” là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2026- 2030

 

13

Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình trong điều kiện hiện nay.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

14

Nghiên cứu giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn thực cảnh dựa trên tiềm năng văn hoá sinh thái đặc sắc: Kinh nghiệm Trung Quốc và gợi mở đối với tỉnh Ninh Bình.

Sở Văn hóa và Thể thao

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2026- 2027

 

15

Xây dựng thương hiệu địa phương (chiến lược marketing và quảng bá địa phương) nhằm khai thác giá trị bản sắc di sản văn hóa và thiên nhiên Ninh Bình phục vụ đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

16

Nghiên cứu giải pháp phát triển làng nghề sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch ở Ninh Bình

Sở Du lịch

Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao; Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

17

Xây dựng Bách khoa thư Du lịch tỉnh Ninh Bình

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2026

 

18

Phát huy tri thức bản địa dân tộc Mường, xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng khác biệt, đẳng cấp hướng tới phát triển sinh kế bền vững và bảo tồn văn hóa tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

Sở Du lịch

Các sở, ngành liên quan; UBND huyện Nho Quan

Năm 2026- 2027

 

19

Phát huy tri thức bản địa gắn với du lịch có trách nhiệm tại các khu vực di sản của Ninh Bình. Phát triển du lịch thông minh (smart tourism) gắn với bảo tồn, phát huy tri thức bản địa.

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2026- 2027

 

20

Phát triển du lịch Halal (du lịch dành cho người Hồi giáo) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

21

Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch tái tạo của tỉnh Ninh Bình

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

22

Liên kết trong phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình.

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

23

Nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy kinh tế du lịch đêm ở Ninh Bình

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

24

Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi kép ở tỉnh Ninh Bình

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

25

Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ở Ninh Bình

Sở Du lịch

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

26

Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược tỉnh Ninh Bình đến năm 2030

Sở Tài chính

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2026- 2027

 

27

Nghiên cứu thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Sở Tài chính; Các sở, ngành, địa phương liên quan

Năm 2026- 2027

 

28

Nghiên cứu ứng dụng bộ tiêu chí ESG phân tích môi trường, xã hội và quản trị ở tỉnh Ninh Bình

Sở Tài chính

Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Năm 2026- 2030

 

29

Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống tại tỉnh Ninh Bình.

Sở Nông nghiệp và Môi trường

Sở Công thương, Sở Tài chính

Thường xuyên hằng năm

 

30

Lập đề án nghiên cứu xây dựng mô hình hỗ trợ tâm lý học đường và phát triển kỹ năng cho giáo viên và học sinh trong các trường phổ thông ở tỉnh Ninh Bình. Các nội dung chính của đề án là xây dựng các chương trình hỗ trợ đào tạo, tham vấn: Phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực học đường và an toàn trên không gian mạng; chăm sóc sức khỏe vị thành niên, tuổi dậy thì; giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống; hỗ trợ tâm lý học đường: tư vấn tâm lý; tham vấn tâm lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

31

Bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ công chức; chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên trên địa bàn tỉnh

Sở Nội vụ

Sở Giáo dục và Đào tạo; Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

32

Nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục bậc cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

Trường Đại học Hoa Lư

Sở Giáo dục và Đào tạo

Thường xuyên hằng năm

 

33

Phát huy giá trị, nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, góp phần phát triển kinh tế xã hội (có thể triển khai trên những lĩnh vực cụ thể như: Phát huy giá trị, nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, trong xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, trong xây dựng đạo đức, lối sống, trong phát triển du lịch, phát triển kinh tế…)

Sở Nội vụ

Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch; các địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

34

Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững

Sở Nội vụ

Sở Văn hóa và Thể thao; các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

35

Phát huy giá trị, nguồn lực tôn giáo trong thay đổi tập quán mai táng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, góp phần tiết kiệm nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

Sở Nội vụ

Sở Nông nghiệp và Môi trường; các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

36

Tăng cường tham mưu đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Hướng dẫn triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn.

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

37

Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị khoa học; nghiên cứu biên tập, xuất bản các tài liệu khoa học xã hội và nhân văn về Ninh Bình thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ngành, địa phương liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2025 thực hiện Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2024-2030 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

  • Số hiệu: 96/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/04/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/04/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản