Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1833/BVHTTDL-DSVH | Hà Nội , ngày 26 tháng 4 năm 2025 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình
Thực hiện Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, các quốc gia thành viên phải gửi UNESCO Báo cáo quốc gia về tình trạng một di sản được ghi danh và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Theo định kỳ (4 năm/lần đối với từng di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - sau đây gọi tắt là Danh sách khẩn cấp), năm 2025, Việt Nam phải gửi UNESCO Báo cáo định kỳ quốc gia về tình trạng di sản Hát Ca trù được ghi danh vào Danh sách khẩn cấp.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng Báo cáo định kỳ quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và cộng đồng chủ thể di sản nghiên cứu xây dựng Báo cáo về tình trạng bảo vệ di sản Hát Ca trù (từ năm 2022 đến năm 2025) theo nội dung Đề cương kèm theo, bảo đảm thực hiện chế độ báo cáo và cam kết của quốc gia thành viên sau khi di sản văn hóa phi vật thể Hát Ca trù được UNESCO ghi danh.
Báo cáo của các tỉnh/thành phố gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30 tháng 9 năm 2025 (qua Cục Di sản văn hóa) để có cơ sở tổng hợp, xây dựng báo cáo của quốc gia gửi UNESCO theo đúng thời gian quy định./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐỀ CƯƠNG
NỘI DUNG CUNG CẤP THÔNG TIN XÂY DỰNG BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VỀ THỰC TRẠNG BẢO VỆ DI SẢN HÁT CA TRÙ GỬI UNESCO
(Thời gian báo cáo: 4 năm, từ 2022-2025)
(Kèm theo Công văn số 1833/BVHTTDL-DSVH ngày 26 tháng 4 năm 2025)
1. Nêu sự thay đổi về chức năng xã hội và văn hóa của di sản so với thời điểm được ghi danh; ý nghĩa của di sản hiện nay đối với cộng đồng nói chung và với cộng đồng chủ thể di sản nói riêng.
2. Nêu sự thay đổi về các đặc điểm của người nắm giữ và thực hành di sản, trong đó, trình bày rõ vai trò cụ thể của những người có trách nhiệm đặc biệt với di sản so với những người khác trong cộng đồng nắm giữ, thực hành di sản.
3. Mô tả chi tiết, cụ thể về:
- Sức sống hiện nay của di sản so với thời gian trước, ví dụ: số lượng câu lạc bộ và người thực hành, người theo học;
- Tình trạng thực hành di sản (trong cộng đồng di sản, tham gia các liên hoan, hội thi…, tần suất thực hành, mức độ thực hành…);
- Tình trạng truyền dạy và thế hệ kế cận;
- Các biện pháp bảo vệ, đề án, dự án bảo vệ, khôi phục các yếu tố truyền thống;
- Các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư kinh phí bảo vệ và phát huy giá trị di sản từ địa phương.
- Xác định và mô tả các nguy cơ, nếu có, đến sự thực hành và truyền dạy cho thế hệ tiếp nối di sản.
4. Về thực hiện các biện pháp bảo vệ trong thời gian của báo cáo (2022-2025) (đã đưa ra trong kỳ báo cáo 2018-2021)
4.1. Mục tiêu và kết quả:
- Mục tiêu đưa ra trong giai đoạn 2022-2025 là gì (ví dụ: về chính sách, đầu tư kinh phí, tôn vinh nghệ nhân, tạo điều kiện thực hành, truyền dạy, tổ chức liên hoan, quảng bá di sản…)?
- Kết quả đạt được trong thời gian này là gì?
4.2. Các hoạt động bảo vệ:
- Từ mục tiêu đưa ra, mô tả những hoạt động được thực hiện trong thời gian của báo cáo để đạt được những kết quả mong đợi này.
- Chỉ rõ tất cả những vấn đề phát sinh trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ di sản.
4.3. Mô tả về sự tham gia của các cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân vào hoạt động bảo vệ (tên cơ quan, tổ chức, thông tin cơ bản…) như:
- Cộng đồng chủ thể di sản (câu lạc bộ, nghệ nhân);
- Chính quyền (các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn);
- Các nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội…
4.4. Trình bày rõ tiến độ thực hiện đối với từng hoạt động cụ thể.
4.5. Cho biết ngân sách chi cho từng hoạt động cụ thể và chỉ rõ từ nguồn nào (từ chính phủ, quỹ, từ cộng đồng, nguồn xã hội hóa…)
4.6. Đánh giá toàn diện hiệu quả các hoạt động đã thực hiện để đạt được kết quả mong đợi và hiệu quả của việc sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động này. Nêu rõ các hạn chế trong quá trình thực hiện.
5. Đề xuất các biện pháp bảo vệ trong giai đoạn 2026-2029
5.1. Đề xuất kế hoạch bảo vệ di sản, cụ thể:
- Mục tiêu và kết quả mong đợi;
- Các hoạt động chính sẽ thực hiện để đạt được kết quả mong đợi;
- Nhà nước hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch này như thế nào?
5.2. Nêu rõ thời gian biểu cho kế hoạch bảo vệ này trong khung thời gian 4 năm (thời gian của báo cáo định kỳ 2026-2029).
5.3. Kinh phí cụ thể để thực hiện các hoạt động sắp tới (chỉ rõ nguồn kinh phí từ chính phủ, quỹ, từ cộng đồng, nguồn xã hội hóa…).
5.4. Mô tả các cộng đồng, nhóm người và cá nhân cũng như các tổ chức phi chính phủ tham gia như thế nào trong việc đề xuất kế hoạch bảo vệ và thực hiện kế hoạch đó (bao gồm cả vai trò về giới).
4.5. Cho biết (các) cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý và/hoặc bảo vệ di sản; (các) tổ chức của cộng đồng hoặc nhóm người quan tâm đến di sản và bảo vệ di sản.
5. Mô tả các biện pháp đã thực hiện để đảm bảo sự tham gia rộng rãi nhất của các cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân liên quan hay các tổ chức phi chính phủ có liên quan trong quá trình xây dựng báo cáo định kỳ này./.
Công văn 1833/BVHTTDL-DSVH năm 2025 xây dựng Báo cáo quốc gia di sản Hát Ca trù trong Danh sách Khẩn cấp của UNESCO do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- Số hiệu: 1833/BVHTTDL-DSVH
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 26/04/2025
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
- Người ký: Hoàng Đạo Cương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra